ĐANG ĐI CÔNG TÁC THÌ BỊ SA THẢI
Tháng 11.2008 – 5.2009, ông Đặng Minh Hoàng được Công ty CP Tập đoàn A. (viết tắt Công ty A., trụ sở ở Hà Nội) ký hợp đồng thử việc 6 tháng với vị trí giám đốc điều hành của một công ty con thuộc Công ty A., có mức lương 18 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình làm việc, khi đang đi công tác theo kế hoạch thì ông Hoàng nhận được thông tin bị cho thôi việc với lý do: “Không đảm bảo đáp ứng theo đúng công việc tại vị trí đang đảm nhận theo định hướng hoạt động của hội đồng quản trị”.
Không đồng ý với quyết định trên, ngay sau đó, ông Hoàng khởi kiện ra tòa, yêu cầu Công ty A. xác nhận hợp đồng thử việc trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhận ông trở lại làm việc và bồi thường 1,8 tỉ đồng…
Ngược lại, Công ty A. chỉ đồng ý trả tiền thuế thu nhập hơn 4,5 triệu đồng do đã tự ý thu của ông Hoàng; đồng thời còn yêu cầu ông Hoàng bồi thường hơn 580 triệu đồng vì đã để công ty thua lỗ, không hướng dẫn nhân viên làm việc.
Tháng 6.2014, TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) xét xử sơ thẩm. Theo tòa, điều 32, bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không quá 30 ngày đối với lao động khác.
Như vậy, thời gian thử việc tối đa của hợp đồng thử việc giữa ông Hoàng và công ty chỉ được đến tháng 1.2009, nhưng thực tế ông Hoàng vẫn làm việc đến tháng 2.2009. “Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hoàng là trái pháp luật”, bản án nêu.
Từ đó, tòa tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của ông Hoàng, xác định hợp đồng thử việc là hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm. Buộc Công ty A. phải bồi thường cho ông Hoàng số tiền lương còn thiếu và số tiền tương ứng với lương của thời gian ông không được làm việc từ tháng 5.2009 – 11.2011 hơn 800 triệu đồng.
Còn về phần yêu cầu của công ty đề nghị ông Hoàng bồi thường nhưng lại không đóng tạm ứng án phí nên tòa không xem xét.
Sau đó, phía ông Hoàng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hợp đồng lao động của ông với Công ty A. sau tháng 1.2009 là hợp đồng không xác định thời hạn; buộc bị đơn phải bồi thường những ngày ông không được làm việc hơn 63 tháng.
Tuy nhiên, sau đó ông Hoàng rút đơn kháng cáo. Vì vậy, tháng 9.2014, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
TÀI SẢN QUÁ LỚN KHÔNG THỂ CƯỠNG CHẾ ?
Quá trình tổ chức thi hành bản án, do Công ty A. có tài sản ở tỉnh Hà Nam nên tháng 6.2019, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự H.Duy Tiên (Hà Nam) đã ra quyết định THA theo yêu cầu.
Tuy nhiên, đã 4 năm qua, dù Công ty A. có nhà máy nhưng chi cục lại cho rằng không thể tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản. Hôm tháng 1 vừa qua, chi cục có văn bản trả lời lý do của việc vẫn chưa thể tổ chức thi hành xong bản án cho ông Hoàng là do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, Công ty A. hiện vẫn hoạt động sản xuất, tài sản là hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Tài sản này giá trị lớn hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải THA và không thể tách rời. Do đó chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp kê biên, xử lý đối với tài sản này mà xác minh, lựa chọn tài sản phù hợp để áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Thứ hai, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2022, do dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty A. bị ảnh hưởng, doanh thu thấp nên khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ THA.
Thứ ba, tại thời điểm xác minh, số dư trong tài khoản của công ty rất nhỏ, chưa được 1 triệu đồng.
Kể từ ngày ông Hoàng đi khởi kiện đến nay đã 14 năm trôi qua. Rất nhiều lần ông phải mất thời gian, công sức và tiền bạc tới lui từ TP.HCM đến Hà Nam để đòi quyền lợi. Quá mệt mỏi, ông Hoàng đành ủy quyền cho luật sư nhưng cũng chưa có kết quả.
Những tưởng đâu thắng kiện, vụ án sẽ khép lại, có ít tiền lo trang trải cuộc sống; vậy mà bản án có hiệu lực đã gần 10 năm, nhưng mọi thứ với ông Hoàng vẫn chưa biết đến khi nào có hồi kết. “Tôi không thể hiểu vì sao cơ quan THA lại trả lời như vậy? Nếu công ty bị phá sản thì không nói làm gì, nhưng đằng này họ còn đang hoạt động. Chi cục THA dân sự H.Duy Tiên còn muốn tôi chờ đợi đến khi nào? Mong cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc, có một câu trả lời thỏa đáng cho tôi”, ông Hoàng bức xúc.
Chi cục THI HÀNH ÁN chưa làm tròn hết trách nhiệm
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM, căn cứ theo điều 44, luật THA dân sự, chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA.
Cũng theo TS Tiến, Chi cục THA dân sự H.Duy Tiên chưa thực sự làm tròn hết trách nhiệm. Bởi trong quá trình hoạt động, Công ty A. có thể còn những tài sản khác như ô tô, máy móc, vật dụng sản xuất…
“Theo tôi, nếu chỉ xác minh tài khoản của công ty là chưa đầy đủ. Trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp không sử dụng tài khoản của doanh nghiệp mà dùng tài khoản cá nhân”, TS Tiến lưu ý. Vì thế, chấp hành viên cần xác minh ở cơ quan thuế, bảo hiểm, xem họ đóng bảo hiểm cho người lao động bao nhiêu; còn nếu là công ty xuất nhập khẩu thì còn liên quan đến cơ quan hải quan. Để từ đó, cơ quan THA biết thêm thông tin về tài sản khác của doanh nghiệp để tiến hành kê biên, xử lý tài sản.
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ YÊU CẦU BÁO CÁO
Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Hà Nam Hoàng Văn Tuệ cho biết, Tổng cục THA dân sự đã yêu cầu báo cáo vụ việc.
Sau khi kiểm tra, ông Tuệ cho rằng chấp hành viên đã tích cực giải quyết hồ sơ, nhưng gặp một số khó khăn về kê biên, vì người phải THA trốn tránh nghĩa vụ.
Khi PV hỏi, trong trường hợp này, chấp hành viên có thể xác minh tài sản khác của doanh nghiệp để kê biên như ô tô, máy móc…; vị Cục trưởng thừa nhận, cấp dưới chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. “Chấp hành viên cũng kém. Tôi họp và đã chỉ đạo từ nay xác minh tài khoản là phải xác minh Ngân hàng Nhà nước thì mới đầy đủ, vì hiện ngân hàng rất nhiều. Đồng thời phải xác minh các tài sản khác như PV nêu”, ông Tuệ thông tin.
(còn tiếp)