Đoàn công tác số 10 của Trung ương Đoàn làm lễ tưởng niệm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa.
Niềm tự hào khi đến Trường Sa
Niềm mong ước một lần đến với Trường Sa bao năm qua đã thành hiện thực khi tôi được đại diện cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tỉnh nhà tham gia Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2023, thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức – trong tôi vỡ òa miền cảm xúc và rất tự hào!
Trước khi lên tàu khởi hành đến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, với tất cả tình cảm, lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc nhất, chiều 6-5, tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), Đoàn công tác số 10 đã tổ chức Lễ dâng hương tại Đài liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì sự trường tồn của dân tộc.
Đoàn cũng đã dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước trước tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.
Sáng ngày 7-5, Đoàn công tác số 10 chúng tôi lên tàu kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN 390. Trên tàu, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhằm cung cấp cho đại biểu nắm bắt thông tin về quá trình xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa. Hơn 28 tiếng đồng hồ xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh, Đoàn công tác số 10 đã đến đảo đầu tiên.
Trước mắt tôi là đảo Song Tử Tây với màu xanh của những hàng dừa, cây bàng vuông và cây phong ba. Chúng tôi xuống thuyền nhỏ thẳng tiến về hướng đảo, khi đặt bước chân đầu tiên trên đảo, lòng tôi lâng lâng khó tả, đi được một đoạn thì trước mắt tôi là dòng chữ: “Vườn dừa tỉnh Bến Tre tặng năm 2020”. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đất đá san hô nhưng với bàn tay là tâm sức của cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã từng ngày chăm sóc để vườn dừa ngày càng phát triển. Đến nơi làm việc, tôi bắt gặp được những nụ cười thân thiện, cái bắt tay chắc khỏe, ánh mắt kiên trung đang ngày đem canh giữ biển, đảo.
Đoàn công tác số 10 đã nghe báo cáo về tình hình công tác của quân, dân trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Đoàn công tác số 10 gửi lời thăm hỏi và tặng quà động viên cho cán bộ, chiến sĩ. Chị Nguyễn Thị Trúc Mai – Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Tây Ninh nói với tôi: “Chị rất xúc động khi được đến đây, tận mắt chứng kiến cuộc sống và sự đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ hải quân, chị thấy mình nhỏ bé, cần phấn đấu hơn nữa”.
Chia tay với đảo Song Tử Tây, chúng tôi về tàu và tiếp tục hành trình. Sáng ngày 9-5, Đoàn công tác chúng tôi đến đảo Đá Thị. Đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa, còn có tên gọi khác là đảo Núi Thị, cách bán đảo Cam Ranh 322 hải lý, là đảo chìm nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, Đá Thị quanh năm phải đón sóng gió khắc nghiệt từ trùng khơi nhưng luôn vững vàng nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc. Hiện nay, đảo Đá Thị đã được xây dựng khu nhà ba tầng kiên cố, vững chắc, trở thành pháo đài vững chãi giữa biển khơi. Bốn bề là biển, khi hậu khắc nghiệt nhưng trên đảo vẫn có vườn rau xanh (rau muống, cải xanh, mồng tơi) đã làm nên sức sống xanh trên đảo. Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác; đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền hơn.
Đoàn công tác số 10 của Trung ương Đoàn với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Song Tử Tây.
Đoàn chúng tôi còn đến thăm đảo Sinh Tồn Đông, đảo Đá Đông B (đảo chìm), đảo Trường Sa Đông, đảo Đá Tây B (đảo chìm). Sau quãng đường di chuyển hơn 20 hải lý từ đảo Đá Tây B, con tàu KN 390 vượt sóng xuôi về hướng Tây Nam đưa Đoàn công tác số 10 cập đảo Trường Sa – điểm đến thứ 6 của hành trình. Điều ấn tượng là không phải di chuyển bằng thuyền nhỏ, mà đi thẳng vào đảo bằng cầu cảng. Trước cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dưới bầu trời bao la, Đoàn công tác đã tham dự lễ chào cờ và rất ấn tượng với màn diễu binh hoành tráng của các chiến sĩ. Sau đó, đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ và thiếu nhi, người dân trên đảo.
Anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ:“Tổ quốc Việt Nam có những người con ưu tú đang ngày đêm chắc tay sung giữ biển trời, biết bao người đã anh dũng ngã xuống để giữ vững từng tấc đất, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, chúng ta vững niềm tin chắc chắn sẽ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, quyền tài phán của đất nước trên biển; thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng”.
Tại đảo, Đoàn đại biểu và các văn nghệ sĩ đã có các hoạt động giao lưu và biểu diễn văn nghệ với nhiều chương trình hấp dẫn, sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân tham gia. Ấn tượng nhất là tiết mục trình diễn 33 bộ áo dài mang tên các đảo ở quần đảo Trường Sa, do các đại biểu tham gia đoàn công tác biểu diễn. Sáng ngày 13-5-2023, Đoàn công tác đến thăm Nhà giàn DK1, công trình DK1 rộng lớn với diện tích 80.000 km vuông, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh, khu vực rất giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Hơn 30 năm qua, những nhà giàn DK1 giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa đầy xúc động, khó quên. Tàu KN 390 thả neo tại vùng biển Len Đao – Gạc Ma – nơi cách đây 35 năm, vào ngày 14-3-1988 đã diễn ra cuộc chiến đầu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên boong tàu, tất cả chúng tôi nghiêm túc xếp hàng ngay ngắn dành phút mặc niệm tưởng nhớ 64 anh hùng là liệt sĩ trên đảo Gạc Ma và rất nhiều anh hùng liệt sĩ khác đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi. Tôi nghe nhiều người hít thở sâu, thấy nhiều bàn tay đưa lên quẹt ngang mắt. Có người cúi xuống nhắm mắt không dám để lộ tiếng nấc… Tất cả chúng tôi, ai cũng lặng đi vì xúc động… “Hương trầm khói quện tỏa quanh/ Vòng hoa đất mẹ dệt thanh Huân chương/ Sống không mưu lợi tầm thường/ Hồn thiêng thanh thẩn ở nơi cõi hằng” – những vần thơ do Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang đọc trầm âm tại lễ tưởng niệm. Sau khi dâng hương, Đoàn công tác thực hiện nghi lễ thả vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ về với biển…
Qua thăm 7 đảo và Nhà giàn DK1, đặc biệt là Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa đã hun đúc tình yêu quê hương, đất nước sục sôi, nguyện ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến hết mình để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ và nâng cao bản lĩnh chính trị trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương gắn với lời của Bác Hồ: “…ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.
Mang dừa Bến Tre đến với Trường Sa xanh
Tại đảo Song Tử Tây có hẳn một vườn dừa do tỉnh Bến Tre tặng vào năm 2020, với thời tiết và điều kiện khắc nghiệt nhưng những dừa lớn lên từng ngày bằng sự chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Mặc dù có những tàu lá bị cháy kho bởi nắng gắt nhưng những chồi non đang vươn lên xanh tốt. Cùng với cây bàng vuông, cây phong ba đã làm nên một màu xanh trên đảo. Trên đảo Trường Sa, những cây dừa đang vươn mình cùng với cây xanh khác ngày làm nên Trường Sa xanh.
Vườn dừa tỉnh Bến Tre tại đảo Song Tử Tây.
Dừa không chỉ có trên đảo má còn có trên tài KN 390. Tham gia các hoạt động trên tàu, dừa bonsai đã xuất hiện trong Hội thi “Cặp đôi hoàn hảo”, sắc xanh của dừa đã góp phần thành công cho nội dung thi và giới thiệu biểu tượng của Bến Tre đến tất cả đại biểu đang tham gia đoàn công tác.
Chung tay thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động cán bộ, đoàn viên thực hiện công trình thanh niên Dừa Bến Tre với biển, đảo quê hương góp phần phủ xanh quần đảo Trường Sa và bán đảo Cam Ranh. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức trao 3.000/5.000 cây dừa giống, 200 cây xoài, 5 tấn giá thể đất sạch hữu cơ cho Lữ đoàn 189, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân để trồng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam của Tổ quốc. Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai thực hiện công trình thanh niên Dừa Bến Tre với biển đảo quê hương, sẽ tiếp tục trao 2.000 cây dừa giống tặng Vùng 4 Hải quân từ nguồn kinh phí đã vận động từ đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà.
Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là dấu ấn không thể nào quên, là tình cảm đặc biệt, thiêng liêng đối với chúng tôi. Cá nhân tôi cũng trưởng thành hơn qua chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để vận dụng trong công tác, nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam đến đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi tỉnh nhà. Và trong tôi Trường Sa – hai tiếng gọi thiêng liêng, Trường Sa dù xa nhưng rất gần.
Phan Thanh Trẻ
Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre