Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), điểm tổng hợp PAPI năm 2022 của tỉnh Nam Định đạt 43,14 điểm, xếp thứ 19/61 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước (hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang không đưa số liệu vào báo cáo do dữ liệu bị nhiễu). So với năm 2021, kết quả này giảm 0,673 điểm và tụt 3 bậc. Đây là vấn đề buộc các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải phân tích sâu các nguyên nhân để khắc phục, đặc biệt chú ý các điểm chỉ số thành phần gây giảm điểm, tụt hạng.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông là mong muốn của nhiều người dân để cải thiện chỉ số Cung ứng dịch vụ công của tỉnh. (Trong ảnh: Trục giao thông chính của thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường). |
Phân tích cụ thể chỉ số nội dung cho thấy so với năm 2021, tỉnh đã nỗ lực cải thiện được điểm chỉ số thành phần 3 nội dung. Trong đó, điểm chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,63 điểm (tăng 0,37%) thể hiện, việc tham gia, phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương từ phía người dân tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý cải thiện sâu hơn các điểm thành phần về phổ biến kiến thức chính sách, pháp luật quan trọng liên quan tới người dân, bảo đảm quyền tham gia của người dân trong việc ra quyết định xây mới/tu sửa công trình công cộng ở cấp cơ sở. Ở điểm chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,33 điểm, tăng 0,05% thể hiện sự gia tăng tương tác giữa người dân với các cấp chính quyền. Dù vậy, người dân đánh giá khoảng cách giữa tỷ lệ gửi đơn thư và tỷ lệ hài lòng với phúc đáp của chính quyền còn cao, và không phải ai cũng hài lòng với kết quả nhận được. Điểm chỉ số Quản trị điện tử đạt 2,9 điểm, tăng 0,23%, thể hiện gia tăng tính tương tác của chính quyền điện tử gồm mức độ sẵn có, khả năng sử dụng và khả năng đáp ứng của dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, tỷ lệ người sử dụng internet tại địa phương tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, dịch vụ hành chính công trực tuyến ở cấp quốc gia và địa phương chưa được nhiều người sử dụng; người dân cũng chưa đánh giá cao việc phúc đáp của chính quyền qua Cổng thông tin điện tử. Vì vậy, dù tăng điểm so với năm trước nhưng so với thang điểm chung thì điểm chỉ số Quản trị điện tử của tỉnh còn rất thấp.
Bên cạnh đó, so với năm 2021, có 5 điểm chỉ số thành phần biến động theo chiều hướng giảm; đáng lưu tâm hơn là trên thang điểm từ 1-10, nhiều chỉ số đạt tổng điểm thấp và giảm so với năm trước. Trong đó, điểm chỉ số Quản trị môi trường mới chỉ đạt 3,4 điểm và giảm 0,22% so với năm 2021. Theo đánh giá của người dân, việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt (giặt giũ, bơi lội) cho người dân địa phương là lý do chính dẫn tới điểm số của tỉnh ở chỉ số nội dung này còn rất thấp. Đáng chú ý, chưa đến 78% số người trả lời cho biết doanh nghiệp hoạt động ở địa phương họ sinh sống không phải “chung chi” với chính quyền để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Điểm chỉ số Công khai, minh bạch đạt 5,35 điểm, giảm 0,32%; trong đó người dân đánh giá cao việc công khai thu, chi ngân sách cấp xã, phường; công khai danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên tỉnh chưa thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, thể hiện qua điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” vẫn ở mức rất thấp. Việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân vẫn còn rất hạn chế; tỷ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2022 ở địa phương chưa cao. Người dân vẫn cho rằng giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường. Điểm chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,76 điểm, giảm 0,24% cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của tỉnh có xu hướng giảm.
Một trong những yếu tố dẫn tới đánh giá thiếu tích cực của người dân năm 2022 đó là phản ánh về hiện tượng “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước. Tương tự như những năm trước, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến; mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường). Tỷ lệ người trả lời cho rằng phải dựa vào thân quen với người có chức quyền trong bộ máy Nhà nước mới có thể xin vào làm một trong năm vị trí cán bộ, công chức và viên chức cấp xã (đặc biệt là vị trí công chức địa chính) năm 2022 cao hơn năm 2021, dẫn đến điểm nội dung thành phần “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vẫn rất thấp, chỉ đạt 1,17 trên thang điểm từ 0,25 đến 2,5 điểm. Đáng chú ý, đánh giá của người dân về mức độ nghiêm túc trong đấu tranh chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng xảy ra của các cấp chính quyền cho thấy, người dân đánh giá cao quyết tâm chống tham nhũng ở cấp Trung ương hơn của địa phương. Về việc người dân có sẵn sàng tố giác hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức hay không, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy, người dân chỉ bắt đầu tố giác khi số tiền bị vòi vĩnh lên tới 20 triệu đồng trở lên.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. |
Điểm chỉ số Thủ tục hành chính công đạt 7,36 điểm, giảm 0,06%. So với dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương và dịch vụ hành chính công xử lý các thủ tục liên quan đến nhân thân và thủ tục do cấp xã thực hiện, dịch vụ hành chính công liên quan tới cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vấn đề hơn. Điều đáng mừng là người đi làm thủ tục xin cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2022 cho biết, họ ít phải đi qua nhiều cửa, gặp nhiều người hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân đi làm thủ tục liên quan tới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn có chung trải nghiệm chưa tốt; trễ hẹn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề nổi cộm nhất. Điểm chỉ số Cung ứng dịch vụ công đạt 7,41 điểm, giảm 0,50%; đây là chỉ số đạt tổng điểm cao nhất trong 8 chỉ số thành phần của bảng xếp hạng PAPI. Dựa trên trải nghiệm thực tiễn của bản thân và gia đình, tỷ lệ cao người dân thể hiện sự hài lòng về chất lượng, mức độ thuận tiện khi sử dụng dịch vụ y tế công lập và đánh giá cao kết quả bảo đảm an toàn cho người dân với bốn loại hình tội phạm về an ninh, trật tự (gồm đột nhập vào nhà, cướp giật, mất trộm hoặc bị trộm hành hung). Tuy vậy người dân khẳng định, tỉnh cần cải thiện các loại hình đường sá, tăng tần suất thu gom rác thải và cần nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng của trường tiểu học công lập.
Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền các địa phương. Vì vậy, nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng mà chỉ số PAPI cung cấp, được các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh xác định là căn cứ để đánh giá các phần việc, nhiệm vụ cần tiếp tục phát huy hoặc cải thiện, khắc phục để nâng cao chất lượng. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải đặc biệt lưu ý, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, tiếp tục hoạch định chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với nhu cầu của người dân trong thực tiễn. Đồng thời, quyết liệt nâng điểm tất cả các chỉ số, nhất là các chỉ số ở mức dưới trung bình và trên trung bình, bao gồm: Quản trị điện tử; Quản trị môi trường; Trách nhiệm giải trình với người dân; Công khai minh bạch; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở để cải thiện, nâng điểm chỉ số PAPI trên bảng xếp hạng toàn quốc./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy