(HNMO) – Chiều 28-5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.
Nhận diện các rủi ro của thị trường chứng khoán
Tại tọa đàm, đại diện Bộ Tài chính thông tin, nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến các vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro, nhà đầu tư ngại ngần.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường, cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Chưa kể, phát triển bền vững thị trường này cũng là kênh huy động vốn từ nhân dân cho nền kinh tế ngoài các kênh truyền thống.
Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để “phá băng” cho thị trường, cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua minh bạch thông tin cung cấp đến các nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân… Những yếu tố này giúp nhà đầu tư nhận diện các rủi ro của thị trường, có thêm các lựa chọn đầu tư, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có.
Để thực hiện các giải pháp giúp cho thị trường trái phiếu phát triển nhanh và bền vững, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm nhằm thu hồi dòng tiền về để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển. Song song đó, ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường.
Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất
Nhấn mạnh thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, sẽ góp sức tăng tốc cho nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, vấn đề tỷ giá, hạ lãi suất ở biên độ phù hợp, đã giúp bơm vốn, tăng nguồn lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nói chung. Doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc hài hòa giữa các chính sách cũng là một giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phương, nhờ vậy, sau 4 tháng, Việt Nam đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khóa ở mức hợp lý. Song, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiến kế, trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi, thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu thì Việt Nam phải khơi thông nguồn lực để tăng năng lực nội địa ở trong nước.
“Hiện nay, các nút thắt này đang diễn ra khá phổ biến, cho nên tình trạng đầu tư công giải ngân không nhanh được mặc dù chúng ta thúc đẩy mạnh; hay gói Nghị quyết 43 về vốn phục hồi kinh tế cho tới thời điểm này chưa giải ngân được nhiều. Tôi cho rằng cần gỡ vướng về thể chế chính sách thì mới giải phóng được nguồn lực để tăng nội lực lên”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, đối với chính sách tiền tệ, phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và kiểm soát được dòng tiền. Nếu trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vốn mà chúng ta không kiểm soát được, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực tài chính.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (trả lời trực tuyến từ Singapore) cho rằng, phải đổi mới mô hình, từ việc nhân lực rẻ trở thành nhân lực cao như thế nào là một bài toán tất cả địa phương phải suy nghĩ đến. Hiện giờ “chúng tôi có nhân lực rẻ, đất rẻ, cứ vào đây” là không được, phải là nhân lực cao.
Điểm nữa, trong nắm bắt xu thế, Việt Nam phải chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các doanh nghiệp của thế giới để chuẩn bị cho tương lai, như kinh nghiệm của Singapore. Cần học xem chiến lược tương lai của họ như thế nào, Việt Nam định vị ra sao để tiến lên. “Đây là bài toán mà tôi nghĩ Việt Nam phải có chuyển động rất lớn trong thời gian tới, phải thực sự biến nguồn lực trở thành thực lực chiến lược”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Số liệu tính toán về chỉ số lạm phát của Việt Nam hoàn toàn đáng tin cậy
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá… Tuy nhiên, vẫn có dư luận cho rằng, với kết quả làm tốt như vậy thì liệu có phải do câu chuyện số liệu của chúng ta hay không?
“Với góc độ chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan Tổng cục Thống kê là cơ quan tổng hợp, công bố số liệu về lạm phát, tôi khẳng định một lần nữa, số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy và được quốc tế đánh giá”, ông Phương nhấn mạnh.