Các chuyên gia đến từ CITES, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Nông thôn Ngày nay) đã chia sẻ thông tin tập huấn. Phóng viên Báo Bình Thuận và hơn 20 nhà báo phụ trách lĩnh vực môi trường ở các báo đảng miền Trung, các cơ quan báo chí Trung ương, chuyên ngành đã tham dự lớp tập huấn.
Tại đợt tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ về tình trạng buôn bán ĐVHD. Việt Nam là thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm (CITES) từ năm 1994 đến nay. Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản pháp lý nhằm luật hóa cam kết này và dần hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan tình hình buôn bán thú rừng. Các đối tượng buôn bán ĐVHD có thể bị phạt tù lên tới 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với cá nhân và tối đa 15 tỷ đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Tại đợt tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ về tình trạng buôn bán ĐVHD ở Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong thị trường ĐVHD khu vực và thế giới; Thực trạng săn bắt ĐVHD tại Việt Nam, Thách thức và khó khăn trong việc ngăn chặn săn bắt, buôn bán ĐVHD; đề tài và cách thức khai thác đề tài buôn bán DVHD.
Trong chương trình của đợt tập huấn, các phóng viên, chuyên gia đã theo chân kiểm lâm tuần tra, gỡ bẫy thú rừng tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), tìm hiểu về công tác cứu hộ, phục hồi, chăm sóc tái thả ĐVHD…