Nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm 2023, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn nước, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác tiết kiệm điện theo văn bản số 1122/UBND-KTTC ngày 29.5.2020 của UBND tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung như: Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; phối hợp Công ty Điện lực Tây Ninh và cơ quan truyền thông, báo, đài đẩy mạnh công tác truyên truyền nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng điện.
UBND tỉnh yêu cầu Công ty Điện lực Tây Ninh xây dựng phương án cụ thể đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh trong mùa khô và cả năm 2023; chủ động triển khai phương án đã được phê duyệt về cung cấp điện trong năm 2023. Trong trường hợp mất cân đối cung cầu hệ thống điện phải báo cáo Ban chỉ đạo điều hành cung cấp điện trên địa bàn tỉnh kịp thời để chỉ đạo giải quyết.
Công ty Điện lực Tây Ninh cũng phải bảo đảm ưu tiên cấp điện theo “Danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng ưu tiên cấp điện năm 2023” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc ngừng, giảm cung cấp điện thực hiện đúng theo Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 9.9.2020 của Bộ Công Thương. Công ty Điện lực Tây Ninh hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của các cá nhân, tổ chức sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để vận động, khuyến khích các khách hàng này sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, bảo đảm ổn định cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, toà nhà văn phòng, trường học, trung tâm đào tạo: Điều chỉnh máy điều hoà ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Mở máy điều hoà trễ 60 phút và tắt máy điều hoà sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc. Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.
Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ: Điều chỉnh máy điều hoà ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Mở máy điều hoà trễ 60 phút và tắt máy điều hoà sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc hoạt động. Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau. Tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22 giờ. Tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị của Công ty Điện lực. Khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Đối với cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất: tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ. Tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị của Công ty Điện lực. Khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông: Điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay. Giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22 giờ tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít.
Đối với các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí: Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22 giờ. Tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ.
Đối với các hộ gia đình: Thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng… Sử dụng máy điều hoà ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.
An Khang