LÀNG KHÔNG NẰM TRONG ĐỊA GIỚI CỦA XÃ
Đi trên tuyến đường thiên lý bắc – nam, hẳn có người sẽ thắc mắc trước chuyện dù đã đi qua đất của Thừa Thiên-Huế nhưng vẫn xuất hiện cái cổng làng có tên “rất Quảng Trị”: Tân Phương Lang. Bởi nếu là dân 3 tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), nhiều người sẽ biết Phương Lang là ngôi làng ở vùng chiêm trũng xã Hải Ba (H.Hải Lăng, Quảng Trị), nức tiếng với món đặc sản “bánh ướt Phương Lang”. Hỏi ra mới hay, Tân Phương Lang và Phương Lang đúng là có “dây mơ rễ má” với nhau thật.
Theo ông Mai Hòe, 75 tuổi, từng làm trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Tân Phương Lang nhiều nhiệm kỳ, hầu như người dân Tân Phương Lang đều có gốc gác từ làng Phương Lang. Trước năm 1945, cụ Lê Hữu Thắng, một người làng Phương Lang làm quan nhà Nguyễn từng được triều đình cấp 168 ha, thuộc địa phận làng Tân Phương Lang, nhưng cụ bỏ hoang. Mãi đến năm 1957, cụ Thắng mới đưa bà con từ làng cũ lên đấy sinh sống, khai hoang, ban đầu là 8 hộ.
Giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, cụ Thắng tham gia cách mạng rồi thoát ly ra Bắc nên giao lại ruộng đất cho em ruột là Lê Hữu Tiếp. “Hồi này, ở khu vực làng Tân Phương Lang có đồn bốt Mỹ ngụy nên không ai dám ở. Mãi đến sau giải phóng năm 1975, cụ Tiếp mới giao sơ đồ, sổ sách về ruộng đất cho chính quyền. Đúng lúc này có chính sách giãn dân, làm kinh tế mới nên chính quyền đã đưa người dân thôn Phương Lang lên sinh sống ở thôn Tân Phương Lang. Dù cách xã Hải Ba hàng chục cây số nhưng về con người vẫn thuộc UBND xã Hải Ba quản lý”, ông Hòe nói.
Lạ lùng chất giọng Mỹ Lợi: làng Huế, nói giọng Quảng nhưng gốc xứ Thanh
Cũng theo ông Hòe, cuộc “di dân lịch sử” ấy ban đầu chỉ 27 hộ, sau lên 45 hộ. Tầm chục năm trở lại đây thì đã ổn định 70 hộ sinh sống, canh tác trên diện tích gần 60 ha đất. “Từ đó đến mấy chục năm sau, chúng tôi dù là người Quảng Trị nhưng lại sống trên đất của… Thừa Thiên-Huế, thuộc xã Phong Thu, H.Phong Điền. CMND của chúng tôi đều ghi nơi cư trú là xã Hải Ba (H.Hải Lăng), dù cách thôn Tân Phương Lang
30 km”, ông Hòe nói. Lý do, theo ông Hòe, năm 1995 Chính phủ đã ra quyết định về việc xác định ranh giới, giao thôn Tân Phương Lang cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhưng do người dân vẫn muốn là “người Quảng Trị” nên xảy ra tranh chấp địa giới kéo dài. “Mãi đến tháng 11.2019, Chính phủ giải quyết xong vấn đề ranh giới 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Thôn Tân Phương Lang cuối cùng vẫn không thể “về” với xã Hải Ba, H.Hải Lăng nhưng vẫn về với Quảng Trị, thuộc thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, H.Hải Lăng”, ông Hòe nhớ lại.
ĐẤT LẠ HÓA QUÊ HƯƠNG
Đến một vùng đất mới, dẫu khó khăn bộn bề và có nhiều “tréo ngoe” trong địa giới hành chính gây ra nhiều chuyện thiệt thòi, nhưng người dân Tân Phương Lang mấy chục năm qua luôn chăm lam chăm làm, xây dựng cuộc sống ổn định.
Nhớ về ngày cũ, bà Khổng Thị Tấc (88 tuổi, trú Tân Phương Lang) cho biết thời chiến tranh, để tránh bom đạn, gia đình bà rời bỏ làng Phương Lang (xã Hải Ba) để vào Đà Nẵng sống. Hòa bình trở lại, bà quay về làng cũ thì mái nhà xưa đã bị bom Mỹ đánh sập. Nghe người làng mách, gia đình bà lên với làng Tân Phương Lang. “Lên đây, dù hoang vu nhưng đất đai rộng rãi hơn ở làng cũ. Hồi đó chúng tôi nghĩ cứ chăm chỉ làm lụng, kiểu gì cũng có cái ăn, không có gì phải sợ”, bà Tấc nói.
Cũng ngoài 80 và thuộc nhóm những gia đình đầu tiên định cư ở làng Tân Phương Lang, vợ chồng bà Đỗ Thị Mai nhớ lại ngày dắt díu 2 đứa con nhỏ lên đây. “Ngày đó nơi này núi đồi bạt ngàn, mình vỡ đất mà trồng cây, chặt tre về mà dựng nhà. Cũng bữa đói bữa no. Khi thì đi hái nấm, khi thì đi hái sim… Nói chung là vất vả”, bà Mai kể. Trải nhiều năm là “người Quảng Trị sống trên đất Thừa Thiên-Huế”, bà Mai vẫn luôn xem mình là người Hải Ba, người Quảng Trị. “Mồ mả ông cha vẫn ở làng cũ, giỗ chạp tôi vẫn về đều. Ngặt nỗi, làng Tân Phương Lang cách xã hàng chục cây số, có việc gì liên quan đến giấy tờ hành chính phải ngược xuôi khá mệt”, bà Mai tặc lưỡi.
Nhưng điều thiệt thòi lớn nhất của người dân Tân Phương Lang suốt hàng chục năm qua là dù sinh sống ổn định nhưng chẳng ai thấy được cái “sổ đỏ” ra sao. Nhà nào muốn vay vốn phát triển kinh tế đều “bó tay” vì không có gì để thế chấp với ngân hàng. Về chuyện này, ông Mai Hòe bảo sau khi được nhập vào xã Hải Chánh cuối năm 2019, cũng có cán bộ vào đo đạc đất đai cho bà con nhưng đến nay sổ đỏ vẫn chưa được cấp. Dù nhập vào thôn Nam Chánh (xã Hải Chánh) nhưng dân làng vẫn để tên làng Tân Phương Lang, cổng làng vẫn để tên cũ. “Hy vọng mọi việc sớm tốt đẹp. Làng chúng tôi bây giờ chuyện học hành của con cháu cũng đi lên, có nhà có tới 4 – 5 đứa học đại học. Có nhiều người làng ra ngoài làm ăn khấm khá, cũng quay về giúp đỡ kinh phí cho làng xây hội trường, làm đường sá”, ông Hòe tâm đắc.
(còn tiếp)