Người bị viêm khớp nên tránh các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đường bổ sung, chứa nhiều purin vì có thể kích hoạt cơn viêm, gây đau khớp.
Một số chất béo
Theo Tổ chức Viêm khớp Mỹ, người bị viêm khớp nên hạn chế những loại chất béo sau để tránh làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể:
Axit béo omega 6: Một số loại dầu, chẳng hạn như dầu hướng dương và các loại rau chứa hàm lượng cao axit này.
Chất béo bão hòa: Thịt, bơ và pho mát chứa loại chất béo này. Chất béo bão hòa nên chiếm ít hơn 10% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày của một người.
Chất béo chuyển hóa: Loại chất béo này có thể gây hại vì làm giảm lượng cholesterol “tốt”, tăng lượng cholesterol “xấu” và tăng mức độ viêm nhiễm. Thực phẩm chế biến thường chứa chất béo chuyển hóa, vì vậy mọi người nên kiểm tra bảng thành phần dinh dưỡng khi sử dụng.
Đường
Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng những người thường xuyên uống nước ngọt có đường có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) cao hơn. Dùng nhiều đồ uống này cũng dễ dẫn đến béo phì, viêm nhiễm và các bệnh mạn tính khác.
Nhiều sản phẩm chế biến sẵn có thêm đường. Hãy luôn kiểm tra nhãn thực phẩm trên ngũ cốc ăn sáng, nước sốt và nước ngọt vì những sản phẩm này có thể chứa một lượng lớn đường bổ sung.
Thực phẩm nhiều muối
Lượng muối quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ phát triển hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh tự miễn dịch như RA. Tiêu thụ nhiều muối cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch và thận, suy tim và đột quỵ.
Mọi người nên tiêu thụ lượng muối dưới 2.300 mg mỗi ngày (khoảng một thìa cà phê muối).
Thực phẩm chứa nhiều purin
Những người bị bệnh gout được khuyến cáo tiêu thụ ít purine kết hợp với dùng thuốc để điều trị bệnh. Purin có sẵn trong một số thực phẩm, khi cơ thể tiêu thụ sẽ chuyển đổi thành axit uric. Axit uric tích tụ trong máu cao sẽ gây ra cơn gout cấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các loại thực phẩm sau đây có hàm lượng purin cao: thịt nội tạng, bia rượu, thịt đã qua xử lý như giăm bông, thịt xông khói, một số hải sản (trai và sò điệp…). Tuy nhiên, một đánh giá năm 2018 xác định rằng một số loại rau giàu purine, chẳng hạn như súp lơ, nấm và đậu, không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gout.
Thịt đỏ
Chế độ ăn nhiều thịt đỏ và sữa có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RA. Một số nghiên cứu còn cho thấy ăn thịt đỏ làm khởi phát sớm bệnh lý này. Ngược lại, chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp.
Carbohydrate tinh chế
Carbohydrate tinh chế bao gồm đường bổ sung và ngũ cốc trải qua quá trình chế biến, làm loại bỏ chất xơ và chất dinh dưỡng, ví dụ bánh mỳ trắng, bánh nướng.
Chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế có thể làm tăng tình trạng viêm, tăng tình trạng kháng insulin và có liên quan đến nguy cơ béo phì cao hơn. Cả hai đều là những yếu tố nguy cơ gây viêm khớp. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ít carbohydrate có thể làm giảm triệu chứng đau ở những người bị thoái hóa khớp gối.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm khớp nên có chế độ ăn phù hợp nhằm giảm mức độ viêm trong cơ thể, tăng cường sức khỏe mô, khớp, cũng như duy trì cân nặng vừa phải để tránh tăng áp lực lên các khớp.
Một trong những chế độ ăn chống viêm được khuyến khích là chế độ ăn Địa Trung Hải, tập trung vào các loại thực phẩm như dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, thịt nạc, trứng và cá, các sản phẩm từ sữa ở mức độ vừa phải, hạn chế đường, rượu và thịt đỏ.
Anh Ngọc (Theo Medical News)