Cảnh vẳng vẻ tại một tuyến đường ở Khartoum, Sudan ngày 17-5-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện Mỹ và Saudi Arabia đang đảm nhận vai trò giám sát thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày giữa Quân đội Sudan và lực lượng phản ứng nhanh bán quân sự (RSF), bắt đầu từ ngày 22-5 vừa qua, nhằm cho phép các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản.
Tuyên bố nêu rõ: “Tình hình đã được cải thiện từ ngày 24-5”. Các đại diện của Mỹ và Saudi Arabia kêu gọi các bên tránh leo thang bạo lực và tôn trọng ngừng bắn.
Khoảng 1,3 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước hay di tản sang các nước láng giềng. Bộ Y tế Sudan cho biết ít nhất 730 người đã thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Những người ở lại Khartoum đang phải chịu cảnh thiếu điện và nước sinh hoạt, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo người đứng đầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Samantha Power, lượng ngũ cốc đủ cho 2 triệu người đang được vận chuyển tới Sudan bằng tàu biển. Tuy nhiên, chưa rõ làm cách nào số ngũ cốc này cũng như hàng viện trợ của các cơ quan khác thực sự đến được Khartoum và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề mà không có đảm bảo an ninh.
Tuyên bố của Mỹ và Saudi Arabia cho biết một số hàng viện trợ đã đến Khartoum trong ngày 26-5, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tổ chức Chữ thập Đỏ đang tìm cách chuyển thiết bị y tế đến 7 bệnh viện ở Sudan. Trong khi đó, ngày 25-5, các kỹ sư viễn thông đã có thể bắt đầu công việc sửa chữa mạng lưới ở thủ đô và nhiều nơi khác.
Theo các nhà hoạt động, giao tranh đã diễn ra rải rác tại một số thành phố lớn ở miền Tây trong những ngày gần đây, nhất là tại El Fashir, thủ phủ của bang Bắc Darfur. Xa hơn về phía Tây, các thành phố Zalingei và El Geneina đang trong tình trạng mất liên lạc hoàn toàn. Trong khi đó, người dân tại thành phố Nyala, một trong những thành phố lớn nhất Sudan, cho biết sự yên bình đang trở lại sau nhiều ngày đụng độ.
Nguồn: TTXVN