Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều cam kết hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh cầu tiêu dùng yếu. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
Lãi vay hạ nhiệt so với đầu năm, tiếp tục các gói tín dụng ưu đãi
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm 0,5% một số loại lãi suất điều hành, các NHTM đều hưởng ứng chủ trương này; đồng thời cam kết sẽ khẩn trương triển khai giảm lãi suất. Từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5 – 1,5%/năm.
“Việc NHNN giảm lãi suất điều hành tạo tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Động thái hạ lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Thị trường hiện hấp thụ vốn rất yếu, kinh tế rất khó khăn nên việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ được cho nhiều khách hàng và cả các ngân hàng trong thời gian tới. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này, MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng.
“Song song với việc giảm lãi suất, MB đã liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng, giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Từ đầu năm đến nay, MB đã tung ra 120.000 tỷ các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian qua, MB đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN”, ông Phạm Như Ánh cho biết.
Khi mặt bằng lãi suất huy động giảm đồng đều, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Phía Vietcombank đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định: Ngân hàng luôn theo sát các chỉ đạo điều hành về chính sách tiền tệ của NHNN. Đối với lần giảm lãi suất lần này, đại diện Vietcombank đánh giá đây là một quyết định đúng đắn, cũng đúng thời điểm.
“Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn. Từ ngày 1/1 đến 30/4, chúng tôi giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, Vietcombank đã triển khai tiếp đợt 2, từ ngày 1/5 đến 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng”, lãnh đạo Vietcombank cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 26/5, đại diện PvcomBank cho biết: So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất vay vốn tại PVcomBank đã giảm từ 2 – 4%, hiện tại ngân hàng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 13,500 tỷ đồng trong đó PVcomBank tập trung phục vụ phân khúc khách hàng là hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ (M.SME) và các cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở. PVcomBank kỳ vọng gói tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói riêng và nhu cầu vay vốn của người dân nói chung, góp phần giúp cá nhân nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ, qua đó đóng góp một phần cho sự phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển trở lại của nền kinh tế.
“Từ đầu năm tới nay, PVcomBank đã có 10 lần điều chỉnh biểu lãi suất huy động, góp phần đáng kể giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Tổng mức giảm lãi suất là 1,5% với các kỳ hạn chủ yếu là 6, 12, 15 tháng. Các nguồn tiền gửi hiện vẫn khá cao so với các hoạt động đầu tư khác nên khách hàng có nhu cầu dịch chuyển sang kỳ hạn dài”, ông Tống Huy Mẫn, Giám đốc Phát triển sản phẩm huy động vốn PVcomBank cho biết.
“Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp. Chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Khi lãi suất “dễ chịu’ hơn, mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn. Chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng”, ông Nguyễn Hưng Tổng, Giám đốc TPBank cho biết.
Theo ông Hồ Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc ACB, chủ trương của NHNN là khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay nhưng giảm ở mức độ nào còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng.
“Kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, song việc giảm lãi suất còn tùy thuộc giá vốn đầu vào, tùy thuộc mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Mặc dù vậy, về xu hướng, theo tôi, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm”, lãnh đạo ACB nhận định.
Kích cầu tiêu dùng là yếu tố quan trọng thúc tăng trưởng
Theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là 2 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.
“Chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công mới chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định.
TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
“Cầu nền kinh tế đang yếu, doanh nghiệp không thấy cơ hội kinh doanh, cho dù giảm lãi suất doanh nghiệp cũng không vay để làm gì. Nên kích cầu tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mà để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công chứ giờ sức khỏe khu vực tư nhân suy giảm mạnh”, TS Nguyễn Hữu Huân lnhận định.
“Đến nay, mặt bằng lãi suất đã ổn định và có xu hướng giảm, lãi suất cho vay mới bình quân khoảng 9,25%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), trong khi lãi suất huy động bình quân là 6,21%/năm… Tính đến ngày 16/5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022”, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết.