“Xưa kia chó và mèo/ Vốn thân thiết với nhau/ Sống có trước, có sau/ Không tranh giành hơn thiệt.
Tình cảm luôn thắm thiết/ Chẳng tính toán so đo/ Mèo bắt chuột, coi kho/ Chó giữ nhà canh cửa” (Sự tích chó và mèo ghét nhau)
Hay “Ngày xưa có người giàu có/Sinh được bốn người con trai/ Đến khi biết mình sắp chết/Ông bèn tính chia gia tài” (Sự tích hoa Thủy tiên)
Đó là những câu chuyện cổ tích, những sự tích được kể… bằng thơ trong tập thơ “Sự tích muôn loài” (NXB Hội Nhà văn) mới tinh của nhà thơ, nhà văn Trần Hồng Giang trình làng độc giả trong tháng 4 vừa qua.
Truyện cổ tích, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với trẻ thơ. “Ngày xửa, ngày xưa…” chỉ 4 tiếng quen thuộc mà cuốn hút ấy bắt đầu mở ra trong trí tưởng tượng non nớt một thế giới thần tiên phong phú với những ông Tiên, bà Tiên phúc hậu, những cô Tiên luôn xinh đẹp tốt bụng tuyệt vời, thường bất ngờ xuất hiện khi những người trần gian gặp chuyện không may mắn, khó khăn khổ sở tưởng không lối thoát. Rồi những phép màu được ban ra để giúp họ – những người tốt bụng, hiền lành, chăm chỉ vượt qua khó khăn, được hưởng phúc lành. Những nhân vật ấy, những phép màu ấy sẽ hóa thành những con vật, đồ vật, hay những đặc tính, kiểu “ghét nhau như chó với mèo”... để giải thích, trả lời những câu hỏi, những sự tò mò không bao giờ dứt của trẻ con: tại sao con quạ lại đen tuyền? Tại sao con công lại có bộ lông đẹp thế? “Sao không thế này mà lại là thế kia?”. Những câu chuyện với mô típ “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, thông qua các nhân vật, các mối quan hệ phổ biến, gần gũi, thân quen,… giúp trẻ tiếp nhận những bài học đạo đức, kinh nghiệm sống quan trọng bằng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên về ích lợi của sự chăm chỉ làm lụng, tình thân gia đình, tình bạn, sự trung thực, về giữ lời hứa, về sự đoàn kết, về quy luật “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”, vì sao nên làm việc tốt, “làm lành, lánh dữ”… Biết bao cô bé, cậu bé đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ ngon lành với những giấc mơ về những miền thần tiên qua giọng rủ rỉ và những câu chuyện cổ tích bố mẹ đọc cho nghe.
Lần này, những câu chuyện cổ tích, những sự tích quen thuộc ấy lại được tác giả Trần Hồng Giang kể bằng một cách khác – bằng thơ. Vì sao hoa cúc lại có nhiều cánh? Một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, về lòng hiếu thuận của con cái với cha mẹ đến trời cũng động lòng thương mà cho cô bé có thể tước những cánh hoa nhỏ bé mỏng manh thành cả trăm cánh nhỏ, để có thể kéo dài cuộc sống của người mẹ đang mang trọng bệnh. Hãy nghe tác giả kể “Sự tích hoa cúc”:
“Ngày xưa có hai mẹ con/ Gia cảnh nghèo khó, neo đơn túng bần/ Người mẹ sớm tối tảo tần/ Đứa con hiếu thảo chăm ngoan học hành.
Mưa dầm gió buốt nắng hanh/ Đói no ấm lạnh mong manh dãi dầu/ Mẹ con họ tựa vào nhau/ Trong ngôi nhà nhỏ phía sau ngôi làng.
Một ngày kia thật phũ phàng/ Mẹ lâm bệnh nặng nguy nan cận kề/ Người con thương mẹ tái tê/ Tìm thầy lang khắp vùng về thuốc men…”
Những câu thơ lục bát truyền thống mượt mà đầy nhịp điệu dễ đọc, dễ nhớ dần dẫn các em qua những tình tiết, nút thắt của câu chuyện: bệnh của mẹ không thuyên giảm, ngày càng nguy nan, nhưng người con không nản, vẫn đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc, luôn cầu khấn cho mẹ được tai qua nạn khỏi, sống lâu. Tấm lòng hiếu thảo ấy đã làm Phật cảm động, quyết ra tay độ trì cứu giúp!
Còn đây là “Sự tích cây ngô”: “Năm ấy trời hạn hán/ Đất cằn cỗi nẻ khô/Cây héo hon thiếu nước/ Bản làng buồn xác xơ… Ở trong ngôi nhà nọ/ chỉ có hai mẹ con/ Người mẹ luôn đau ốm/ Tháng ngày qua mỏi mòn…” Người mẹ ấy có cậu con trai 7 tuổi mà ngây ngô nên bà con hàng xóm vẫn gọi là bé Ngô. Thế nhưng với mẹ Ngô lại không hề dại khờ “Tuổi cậu tuy còn nhỏ/ Nhưng đã sớm trở thành/ Chỗ cậy nhờ của mẹ/ Sớm chiều bên mái tranh”. Hàng ngày cậu bé Ngô chăm chỉ vào rừng tìm nấm, măng hái về cho mẹ. Nhưng rồi trời hạn hán, đến một ngày cả rừng mênh mông, sâu thẳm cũng không có nấm măng để hái. Không nỡ để hai mẹ con phải chết đói, cảm động vì sự hiếu thảo của Ngô mà Trời sai một con chim mang đến cho cậu “một thứ quả lạ” có những hạt nhỏ mà bùi, có thể làm no bụng. Cậu vội mang về nấu cho mẹ ăn vượt qua cơn đói lả. Những hạt còn sót lại trên quả lạ được cậu bé mang đi trồng, chăm bẵm rất cẩn thận. Hạt đã mọc thành cây, rồi đến một ngày “Cây nhú râu, trổ cờ/ Ngậm sữa và sây hạt/ Thành bắp nhỏ, bắp to”. Những bắp ấy được cậu bé Ngô thơm thảo mang biếu bà con khắp làng để tiếp tục gieo trồng, giúp mọi người không còn bị đói. Từ đấy mọi người gọi thứ quả/bắp lạ bằng chính tên của cậu – bắp Ngô!
Các em nhỏ thích thú đón nhận tập thơ. |
10 bài thơ, 10 câu chuyện cổ tích. Thơ 5 chữ, thơ 6 chữ, thơ lục bát, các bài sử dụng thể thơ đan xen vừa mang đến sự đa dạng, giúp các em cảm nhận các tiết tấu khác nhau trong từng câu chuyện, không bị chán vì đơn điệu, Đọc tập thơ, bạn đọc nhỏ tuổi không chỉ biết về sự tích một số loài cây, một số đồ vật quen thuộc hay phong tục “không quét nhà ba ngày Tết”…, mà còn được bổ sung vốn từ khá phong phú của một tác giả luôn cẩn trọng với việc sử dụng ngôn ngữ. Tác giả Trần Hồng Giang – một tấm gương về nghị lực sống vượt lên nghịch cảnh số phận, đúng như lời Bác Hồ “tàn mà không phế”. Mặc dù bị liệt từ lúc lên 5 tuổi, lớn lên trong gia cảnh nhà nông không lấy gì làm sung túc, nhưng vượt lên tất cả khó khăn, đến nay anh đã có trên 10 đầu sách được xuất bản, từ thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết; và kha khá các giải thưởng về văn chương, báo chí… Gấp bìa sách lại, thấy chút tiếc nuối vì… hết mất rồi. Mong tác giả sẽ sớm có thêm những câu chuyện cổ tích bằng thơ gửi các em nhỏ.
Tập thơ với khổ nhỏ xinh (13x16cm), rất vừa với tay cầm của trẻ, được trình bày minh họa rất sinh động, màu sắc tươi tắn. Đây chắc chắn là món quà giá trị trong túi quà Tết Thiếu nhi (1-6) cho trẻ em!
Bài và ảnh: Lan – Anh