Giờ ôn thi tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội).
Tại buổi ôn thi cho học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), không khí diễn ra khẩn trương, nghiêm túc.
Em Trần Quang Anh, lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, mặc dù mới bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy, cô giáo, em không cảm thấy có nhiều áp lực. Hằng ngày, ngoài thời gian ôn thi trên lớp, Quang Anh còn dành ba tiếng ở nhà để luyện đề thi, bảo đảm cân đối thời gian ôn tập, nghỉ ngơi.
Cô giáo Vũ Kim Phượng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, giáo viên đã hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch ôn thi cho từng môn một cách cụ thể. Học sinh lập một bảng ưu tiên các kiến thức, kỹ năng cần học cho từng ngày, từng tuần.
Để việc ôn thi trở nên nhẹ nhàng hơn, nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, không ôm đồm quá nhiều; có thể học bằng cách ghi lại các luận điểm chính của từng bài, kết hợp sơ đồ tư duy và tái hiện. Đặc biệt, ôn thi theo chủ đề và hệ thống kiến thức để có thể so sánh đối chiếu, nhận diện được sự vận động trong từng tác phẩm, từng giai đoạn văn học. Cuối cùng là giai đoạn luyện đề để củng cố kiến thức.
Theo cô Phượng, quá trình luyện đề thi rất quan trọng sẽ giúp học sinh thuần thục với các dạng bài, chủ động phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phụng, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, học sinh đã được trang bị kiến thức cơ bản, các thầy, cô giáo chỉ giúp các em tổng hợp.
“Bên cạnh việc ôn thi, luyện đề, tuần nào tôi cũng cho học sinh làm một bài thi thử với mong muốn bài sau có kết quả cao hơn bài trước. Cô trò cùng nhau quyết tâm, nỗ lực vì một tương lai tươi sáng”, cô Phụng chia sẻ.
Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, hiện nay, trường tổ chức ôn thi theo lớp với các môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; ôn thi theo khối, tổ hợp xét tuyển đại học cho học sinh có học lực khá giỏi và lớp ôn thi dành cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Việc ôn thi được chia thành các giai đoạn. Giai đoạn 1 là ôn bình thường giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản; giai đoạn 2 tổ chức ôn thi “tăng tốc” giúp học sinh có thể làm tốt đề thi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.
Hiện nay, trường tổ chức ôn thi theo lớp với các môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; ôn thi theo khối, tổ hợp xét tuyển đại học cho học sinh có học lực khá giỏi và lớp ôn thi dành cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.
Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều
Trong khi đó, ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, sau khi kết thúc chương trình năm học, công tác ôn thi được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Theo thầy giáo Dương Hai Bảy Mươi, Hiệu trưởng nhà trường, kế hoạch ôn thi được xây dựng trên cơ sở kiến thức cơ bản, trọng tâm của bộ môn và dựa trên năng lực học sinh và được điều chỉnh phù hợp.
Hiện nay, ngành giáo dục Hà Nội bên cạnh tổ chức ôn thi tại trường cho học sinh còn tổ chức ôn thi trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội với các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp trên truyền hình nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố củng cố, hệ thống lại các kiến thức trọng tâm và nâng cao kỹ năng làm bài thi. Đồng thời, tạo thêm một phương thức học tập, giúp cho học sinh có thêm giải pháp trong quá trình ôn thi, trong đó, đặc biệt hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong học tập, học sinh ở những khu vực cách xa trung tâm.
Trong khi đó, để giúp học sinh vững tin bước vào kỳ thi, đặc biệt là học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới được bồi dưỡng, củng cố kiến thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch ôn thi; chủ động đánh giá, phân loại học sinh theo nhóm để có phương pháp ôn tập phù hợp.
Thầy giáo Lương Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ) cho biết, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn đã, đang khẩn trương, tích cực tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức cho học sinh. Với nhóm học sinh học lực yếu, trường tổ chức riêng một lớp phụ đạo giúp các em củng cố kiến thức cơ bản để đạt đủ số điểm đỗ tốt nghiệp.
Với huyện biên giới Mường Nhé, việc tổ chức ôn thi, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh được các trường triển khai từ đầu học kỳ II. Theo đó, từ việc phân loại lực học của học sinh để có phương pháp ôn luyện phù hợp thì ban giám hiệu các trường đã phân công giáo viên kèm cặp học sinh theo từng nhóm vào buổi chiều và tối.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) nỗ lực ôn thi.
Thầy Phạm Văn Hạ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé cho biết, trường đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, trong đó hiệu trưởng là tổ trưởng; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là tổ phó và thành viên. Ngoài trách nhiệm ôn luyện kiến thức cho học sinh thì mỗi thành viên tổ công tác đặc biệt còn được giao nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh học sinh, để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Mục tiêu trường đặt ra là không để học sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn…
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nội dung đề thi năm 2023 cơ bản bám sát kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12; học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn thi. Để việc ôn thi đạt kết quả tốt, học sinh cần chủ động xây dựng đề cương ôn thi (theo dạng sơ đồ hóa để dễ nhớ) phù hợp từng chương, chủ đề của chương trình đã học.
Nội dung đề thi năm 2023 cơ bản bám sát kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12; học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn thi. Để việc ôn thi đạt kết quả tốt, học sinh cần chủ động xây dựng đề cương ôn thi (theo dạng sơ đồ hóa để dễ nhớ) phù hợp từng chương, chủ đề của chương trình đã học.
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ chương trình, trong giai đoạn ôn thi, giáo viên không nên yêu cầu học sinh luyện quá nhiều đề thi minh họa, hoặc giao cho học sinh làm quá nhiều bài tập nhưng không bảo đảm tính hệ thống, có nhiều câu hỏi, bài tập trùng lặp về dạng mà không được khắc sâu về kiến thức, kỹ năng thực hiện. Việc cho học sinh luyện tập theo đề thi chỉ nên thực hiện với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp học sinh biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài thi…