Ngày 25/5, tại Sở LĐ-TB&XH, Đoàn kiểm tra, giám sát Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam do bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện Chương trình trợ giúp NKT và các chính sách, pháp luật về NKT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Trong những năm qua, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác NKT, tạo điều kiện thúc đẩy các quyền, lợi ích hợp pháp của NKT, giúp NKT phát huy khả năng của mình vượt qua khó khăn, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế – xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 NKT, trong đó có hơn 14.000 NKT nặng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 32.308 người với kinh phí 445 tỷ đồng. Trong đó, có 29.106 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (đối tượng NKT là 14.163 người); hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho gần 3.000 người tại cộng đồng;… Ngoài trợ cấp xã hội hàng tháng, chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí, công tác trợ giúp xã hội đột xuất cho các đối tượng NKT có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống khi gặp thiên tai và các sự cố bất khả kháng khác được các địa phương, cơ sở thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hiện có 112 trẻ em khuyết tật đến trường, học sinh khuyết tật được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định và được nhà trường hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em an tâm học tập. 64/64 xã, phường, thị trấn có triển khai hoạt động về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, thành lập 7 câu lạc bộ NKT…
Các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, hướng nghiệp học nghề và tư vấn việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cấp xe lăn, xe lắc; cấp xe đạp và học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ sinh kế; tham gia giao thông;… cũng luôn được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng rà soát nhu cầu được đào tạo nghề của NKT, từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho Hội Người mù tỉnh mở 2 lớp phục hồi chức năng dạy chữ, truyền nghề cho 60 lượt hội viên. Tạo điều kiện cho 105 NKT được vay vốn sản xuất – kinh doanh, số NKT có việc làm tại địa phương là 2.166 người.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia trao đổi, phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề trong công tác dạy nghề, hỗ trợ sinh kế và giải quyết việc làm, giao thông, xây dựng, giáo dục, vay vốn, kinh phí thực hiện các chính sách đối với NKT… Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đề xuất với Đoàn giám sát kiến nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ tỉnh xây dựng 3 trung tâm (Dạy nghề, Giáo dục và Thể dục – thể thao) dành cho NKT; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng NKT; tăng cường hỗ trợ các chương trình chăm lo, hỗ trợ cho NKT; tăng mức hỗ trợ NKT từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng…
Kết luận buổi làm việc, bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đánh giá cao những kết quả của các cấp, ngành đạt được trong công tác thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp đối với NKT trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để tham mưu, đề xuất với các cơ quan Trung ương ban hành các chính sách trợ giúp NKT phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tin, ảnh: T.Q