Ngày 27/5, chính phủ chuyển tiếp Sudan cảnh báo, nước này có thể rời khỏi Liên minh châu Phi (AU), nếu tổ chức khu vực cố gắng phớt lờ chủ quyền của đất nước Đông Phi khi đưa ra các quyết định của mình.
Người dân chạy trốn khỏi xung đột đang diễn ra ở Sudan để tới Koufroun, CH Chad, biên giới giữa hai nước, tháng 5/2023. (Nguồn: Reuters) |
Kênh truyền hình Al-Jazeera dẫn lời một quan chức ngoại giao Sudan giấu tên cho biết đã thông báo với AU về khả năng Khartoum có thể rời khỏi tổ chức này, nếu AU thực hiện các bước mà không tham khảo ý kiến của họ.
Nhà ngoại giao này phát biểu với kênh tin tức có trụ sở tại Qatar rằng, Sudan đã ngăn Cơ quan liên chính phủ về phát triển của AU tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Sudan vào ngày 12/5, với lý do không cân nhắc lợi ích của nước này.
Cùng ngày 27/5, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nỗ lực của các nước láng giềng của Sudan nhằm giải quyết xung đột cũng như các hậu quả nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này.
Nhà lãnh đạo Ai Cập đưa ra lời kêu gọi trên tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng An ninh và hòa bình (PSC) của AU.
Sự kiện do Tổng thống Uganda Yoweri K Museveni chủ trì có sự tham dự của một số nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các quốc gia châu Phi, cũng như một số quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit và Đặc phái viên Liên hợp quốc về vùng Sừng châu Phi Hanna Tetteh.
Cuộc họp đã thảo luận về những nỗ lực nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn bền vững và nối lại quá trình dân chủ do dân sự lãnh đạo ở Sudan cũng như các giải pháp nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực.
Tổng thống El-Sisi nêu rõ: “Tôi kêu gọi các tổ chức nhân đạo và các nước tài trợ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia láng giềng của Sudan để họ có thể tiếp tục hoàn thành vai trò của mình”.
Ông El-Sisi nhấn mạnh, hậu quả nhân đạo của cuộc khủng hoảng Sudan đã vượt ra ngoài biên giới và tác động đến các quốc gia láng giềng, do đó, nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Sudan cần có sự phối hợp chặt chẽ của các nước này.
Nhà lãnh đạo nói thêm, Ai Cập đã tiếp nhận khoảng 150.000 công dân Sudan phải di dời để tránh xung đột, cùng khoảng 5 triệu người di cư khác đang sinh sống tại đất nước Kim tự tháp.
Ai Cập sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và các tổ chức cứu trợ để cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sudan. Các quốc gia trong khu vực cần phải hỗ trợ các phe phái của Sudan chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại và đạt được sự đồng thuận để giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xung đột.
Tổng thống Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia láng giềng của Sudan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này, lưu ý rằng các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Sudan mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này càng sớm càng tốt.
Các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa các lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự từ giữa tháng 4/2023.
Một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Sudan từ ngày 22/5 nhưng giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn.
Liên hợp quốc ước tính hơn 860 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và 3.500 người khác bị thương.