Công nghệ trạm năng lượng mặt trời ngoài vũ trụ được một nhà vật lý người Mỹ đề xuất từ năm 1968. Theo công nghệ này, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được phóng lên độ cao 36.000 km so với bề mặt Trái đất.
Năng lượng mặt trời sẽ được chuyển thành sóng vi ba – loại sóng có thể truyền qua mây, do đó đảm bảo sự ổn định bất chấp thời tiết – và chuyển xuống các trạm thu nhận trên Trái đất. Các trạm này sẽ lưu trữ năng lượng dưới dạng hóa học.
Tại Nhật Bản, dự án nghiên cứu được triển khai bởi Đại học Kyoto. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách truyền tải năng lượng bằng sóng vi ba trong vũ trụ.
Một dự án đối tác công – tư do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dẫn đầu đã được thành lập năm 2009 với giáo sư Naoki Shinohara từ Đại học Kyoto là lãnh đạo ủy ban kỹ thuật.
Dự án đã thực hiện thành công thí nghiệm truyền tải năng lượng ở cự ly ngắn và sẽ thử nghiệm thêm ở các cự ly dài hơn trong tương lai. Trong năm tài khóa 2025, các nhà khoa học dự kiến sử dụng các vệ tinh nhỏ để thử nghiệm truyền tải năng lượng từ vũ trụ xuống mặt đất.
Ngoài Nhật Bản, một số cường quốc công nghệ khác cũng đang thúc đẩy nghiên cứu loại năng lượng tiềm năng này. Các đối thủ cạnh tranh có thể kể đến như Mỹ (với dự án phối hợp giữa không quân Mỹ và Viện Công nghệ California), Trung Quốc (Đại học Trùng Khánh) hay châu Âu (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo