Bà Daniela (tên nhân vật đã được thay đổi) cảm thấy tức giận và bất lực khi chứng kiến sự đau khổ mà cô con gái 13 tuổi của mình phải chịu đựng. “Ban đầu, con bé bị bắt nạt bằng những tin nhắn khó chịu, lời chế nhạo trên mạng xã hội, đôi khi là những cái liếc xéo ranh mãnh ở trường. Rồi một ngày, con bé trở thành “con mồi” của những kẻ bắt nạt. Chúng vây quanh con bé, gọi tên, chế nhạo, đôi khi còn đánh đập vì cho rằng con bé mắc bệnh hoang tưởng. Đến lúc không chịu nổi sự tra tấn tinh thần, con bé mới dám nói với tôi”, bà Daniela tức giận nói.

Ảnh minh họa: Báo Tin tức 

 

Thế nhưng, ngay cả khi bà Daniela khiếu nại với ban giám hiệu nhà trường cũng như nói chuyện với cha mẹ của một trong những kẻ quấy rối, mọi nỗ lực trên đều vô ích. Để thoát khỏi bế tắc, bà Daniela buộc phải chuyển trường cho con sang một cơ sở giáo dục tư nhân ở phía Đông thủ đô Madrid.

Vụ việc của con gái bà Daniela xảy ra khi vụ tự tử của nữ sinh Claudia González Alvarez, 20 tuổi chưa kịp lắng xuống. Theo báo Libération của Pháp, ngày 29-4 vừa qua, cảnh sát tìm thấy xác của Claudia dưới chân vách đá trên bờ biển Gijon thuộc vùng Asturias, phía Tây Bắc Tây Ban Nha. Vài giờ trước khi tự tử, Claudia đã đăng một lá thư trên mạng xã hội Instagram cáo buộc những người mà cô ấy tin là phải chịu trách nhiệm: “Kính gửi những kẻ chuyên rình rập… Tôi hy vọng mỗi người trong số các bạn sẽ nhận thức được tác hại hành động mà mình đã gây ra. Bạn trói buộc một cô gái trẻ có lòng tự trọng cao, người có khả năng tuyệt vời; đẩy cô ấy sống trong lo sợ và đến mức phải tự tử”. Trong bức thư, Claudia cáo buộc một nhóm sinh viên đại học là thủ phạm bạo lực tinh thần cho cô. Vụ tự tử gây chấn động khắp vùng Asturias, buộc chính quyền phải cam kết điều tra chân tướng sự việc.

Trước đó, ngày 21-2, cặp chị em song sinh 12 tuổi học chung trường ở Sallent, cách thành phố Barcelona khoảng 60km, đã nhảy từ tầng 3 tòa nhà nơi họ sống. Cô chị, người bị bạn bè chế giễu, lăng mạ và quấy rối là chuyển giới, đã chết tại chỗ trong khi cô em bị thương nặng. Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Educar es todo (Giáo dục là điều cần thiết), 22% học sinh Tây Ban Nha từng là nạn nhân của nạn bắt nạt học đường. “2 triệu học sinh bị ảnh hưởng bởi các vụ bắt nạt ở trường học, trong đó có từ 100.000 đến 120.000 trường hợp nghiêm trọng”, tổ chức Mutua Madrid cho biết thêm.

Theo bà Carmen Cabestany, Chủ tịch Hiệp hội Không bắt nạt học đường (Nace), giống như một đại dịch, bắt nạt học đường gây ra những triệu chứng trầm cảm ở giới trẻ. Bà Carmen dẫn chứng: Trước đây, bắt nạt học đường chỉ giới hạn ở việc đánh đập hoặc lăng mạ. Vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng. Chẳng hạn, một đứa trẻ 8 tuổi tè vào ly nước và bắt bạn khác uống, hay một học sinh chọc thủng màng nhĩ bạn cùng lớp bằng vỏ lon nước ngọt. Thậm chí, một bé gái 9 tuổi bị bạn đồng niên cưỡng hiếp. Bà Carmen cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn nạn trên như sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường, cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh ở trường học… Ước tính có khoảng 75% trẻ em 12 tuổi sử dụng điện thoại thông minh ở trường, điều này làm tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng…

Sau vụ tự sát của cô con gái 15 tuổi Kira cách đây hai năm, ông José Manuel López ở thành phố Seville, thủ phủ vùng Andalusia, phía Nam Tây Ban Nha, đã thu thập 250.000 chữ ký đề nghị thúc đẩy nâng cao nhận thức, yêu cầu sự hiện diện của các nhà tâm lý học ở trường học cũng như có biện pháp trừng phạt đối với những kẻ quấy rối. Nhưng biện pháp này không dễ giải quyết. Luật pháp Tây Ban Nha quy định, thanh thiếu niên dưới 14 tuổi không bị truy tố. Thêm vào đó, mỗi vùng trong số 17 vùng của Tây Ban Nha có toàn quyền trong các vấn đề giáo dục. Điều này khiến nỗ lực ngăn chặn tình trạng bắt nạt học đường của chính quyền trung ương Tây Ban Nha trở nên khó khăn hơn.

PHƯƠNG VŨ