Ông McCarthy cho biết trước đó vào thứ Bảy rằng cuộc đàm phán đã đạt được “tiến bộ” về việc nâng trần nợ cho Chính phủ Mỹ. Trước đó, ông Biden cũng nói vào thứ Sáu rằng: “Nó rất gần và tôi rất lạc quan”.
Ông McCarthy nhấn mạnh thêm vào thứ Bảy: “Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu. Đó là những yêu cầu chúng tôi đã đưa ra để tăng trần nợ, gồm việc những người khỏe mạnh cần quay trở lại lực lượng lao động. Những điều đó là vấn đề lớn… Hầu hết các vấn đề còn tồn tại, chúng cần phải giải quyết”.
Thời gian cho thỏa thuận trần nợ đang rất eo hẹp. Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu cho biết chính phủ nước này sẽ không đủ tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn của mình vào ngày 5 tháng 6 mà không nâng trần nợ, thời hạn này muộn hơn một chút so với cảnh báo về ngày 1 tháng 6 trước đó.
Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã đe dọa sẽ chặn bất kỳ dự luật nào không đáp ứng được kỳ vọng của họ, bao gồm cả việc cắt giảm mạnh chi tiêu. Ngược lại, các đảng viên Đảng Dân chủ đã phản đối việc kiểm soát chặt hơn các chương trình chống đói nghèo của đất nước.
Hiện, các đảng viên Cộng hòa vẫn bác bỏ đề xuất tăng thuế với người giàu của ông Biden. Nhưng, không có sự phản đối nào về các kế hoạch hạ tầng đặc trưng của ông Biden và luật năng lượng xanh, trong khi Sở Thuế vụ sẽ thấy ngân sách của họ giảm nhẹ so với gần đây.
Đảng Cộng hòa cũng muốn thắt chặt chương trình y tế Medicaid dành cho người nghèo và chương trình hỗ trợ lương thực SNAP. Đảng Dân chủ nói rằng điều đó sẽ gây khó cho những người đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Cả hai chương trình này đều mở rộng đáng kể trong đại dịch COVID-19 nhưng đã bị thu hẹp lại gần đây.
Tuy nhiên, hai bên đã tạm thời đạt được một số thỏa thuận, như thời hạn nâng trần nợ (nếu đạt được) sẽ kéo dài cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2024. Thỏa thuận cũng sẽ tăng chi tiêu cho quân đội và chăm sóc cựu chiến binh, đồng thời hạn chế chi tiêu cho nhiều chương trình nội địa.
Nếu Quốc hội Mỹ không kịp nâng trần nợ trước ngày 5/6, nó có thể gây ra tình trạng vỡ nợ, làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy Mỹ vào suy thoái nghiêm trọng. Mỹ sẽ bị hạ bậc tín dụng tài chính, qua đó đẩy chi phí đi vay lên cao và làm giảm vị thế của nước này, như điều đã từng xảy ra vào năm 2011.
Huy Hoàng (theo Reuters)