Trải qua 15 năm thành lập, tại mỗi thời điểm CMC Telecom đều có những hướng đi riêng để tạo dấu ấn ở những lĩnh vực công ty đang hoạt động. Ở vị trí một nhà cung cấp dịch vụ internet, năm 2017 CMC Telecom đưa vào vận hành tuyến cáp đường trục CVCS (Cross Vietnam Cable System).
Theo ông Đặng Tùng Sơn, Giám đốc kinh doanh và marketing CMC Telecom, xét về thời điểm gia nhập thị trường hay về quy mô thì Tập đoàn CMC nói chung và CMC Telecom nói riêng khó có thể cạnh tranh được với các ông lớn khác. Tuy nhiên, công ty đang tạo dấu ấn riêng cho mình bằng sự khác biệt, bằng chiến lược đầu tư hướng đến từng nhu cầu của khách hàng.
Ở thời điểm năm 2015, CMC Telecom đã bỏ ra khoản đầu tư có thể nói là khổng lồ so với quy mô một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông còn non trẻ với con số hàng trăm tỉ cho hạ tầng Cloud. Ngay từ những năm 2017 – 2018, công ty đã đề cập với Bộ TT-TT về khát vọng đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Sự thay đổi này đã được ghi nhận khi vào tháng 5.2022, CMC Data Center (DC) Tân Thuận (TP.HCM) đã ra đời và là nơi có chứng chỉ bảo mật thanh toán PCI DSS, chứng chỉ TVRA – chứng chỉ bảo mật và phòng chống rủi ro cao nhất cho DC. Đây cũng là DC đầu tiên tại Việt Nam sở hữu bộ chứng chỉ Tier III chính thức cao cấp hàng đầu thế giới của Uptime cả về thiết kế, xây dựng.
Về hạ tầng lưu trữ dữ liệu, CMC Telecom đang sở hữu hệ sinh thái gồm 3 Data Center: DC CMC Tower (Hà Nội), DC SHTP (TP.HCM), DC Tân Thuận (TP.HCM). Đáng chú ý hiện CMC Telecom đang nắm đến 50% thị phần trung tâm dữ liệu của các ngân hàng. Việc chủ động xây dựng nền tảng điện toán đám mây Make-in-Vietnam như CMC Cloud cũng khẳng định quyết tâm kéo dữ liệu về lưu trữ tại “đám mây” Việt của CMC Telecom.
Về hạ tầng kết nối, CMC Telecom sở hữu hệ thống mạng đường trục CVCS kết nối trực tiếp đến Data Center của các nhà cung cấp Cloud lớn trên thế giới với băng thông lên đến 10 Gbps.