TỬ VONG SAU 3 THÁNG BỊ CHÓ NHÀ CẮN
Thông tin về một trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho hay bệnh nhân (BN) là nữ (38 tuổi, ở Vĩnh Phúc) được chuyển đến BV trong tình trạng sợ nước, sợ gió. Khoảng 3 tháng trước nhập viện, tại nhà, BN bị chó cắn vào tay và lưng khi cho chó ăn, BN bị trầy xước bàn tay và cánh tay bên phải. 5 ngày sau, con chó cắn đứt xích và chạy sang nhà hàng xóm, biểu hiện hung dữ nên bị người dân đánh chết. BN không đi tiêm phòng. Hai ngày trước khi vào viện, BN sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động. Tại BV, kết quả xét nghiệm của BN khẳng định mắc bệnh dại. BN tiếp tục có kích thích tăng lên, tình trạng rất nặng, gia đình xin cho BN về, sau đó BN đã tử vong tại nhà.
Để phòng tránh bệnh dại, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, khuyến cáo: “Khi người dân bị chó cắn, việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng”.
“Nếu không may bị chó nhà nuôi cắn, nên nhốt con chó lại để theo dõi, vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn, cần chủ động đi tiêm phòng ngay”, TS Hùng lưu ý.
Ngoài ra, theo TS Hùng, mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế, người dân không nên chủ quan, những hộ gia đình có nuôi chó nên cho chó được tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài, nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.
5 ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT VỀ BỆNH DẠI
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại do vi rút dại (Rhabdovirus) gây nên, lây truyền từ động vật sang người. Có 2 thể bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
Cách phòng chống bệnh dại:
Không thả rông chó, mèo ra đường.
Dắt chó ra đường phải có rọ mõm và dây đeo.
Tránh xa chó mèo lạ, chó mèo chạy rông.
Chó nuôi phải được tiêm vắc xin phòng dại hằng năm.
5 cách giúp phòng ngừa bị chó cắn:
1. Không chạy nhanh gần chó.
2. Không trêu chọc chó, không lại gần chó khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú.
3. Không nhìn chằm chằm vào mắt chó.
4. Khi một con chó gầm gừ đến gần, không được bỏ chạy. Đứng yên tại chỗ, tay duỗi hai bên. Cho chó ngửi bạn rồi nó sẽ bỏ đi.
5. Nếu bị chó tấn công, hãy cố gắng ngồi im, cuộn tròn người và tay che mặt lại.
Xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn:
u Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10 – 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt.
Không nặn, bóp vết thương cho máu chảy ra, hoặc làm dập nát thêm vết thương.
Tuyệt đối không băng kín vết thương.
Đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại theo hướng dẫn/chỉ định của nhân viên y tế.
(Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC)
Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng; thời gian từ khi phát bệnh đến khi tử vong chỉ dao động 1 – 7 ngày.
Bệnh dại do vi rút dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người, hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu bạn bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn.
Cần áp dụng PEP nếu: vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; nếu con vật đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường; nếu kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật cho kết quả dương tính với vi rút dại.