Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) hiện có 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 4 sao, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm đạt OCOP. Kết quả này là nền tảng vững chắc góp phần để xã Đông Sơn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Được thành lập năm 2020, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt hiện đang cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm từ tảo Việt đạt chất lượng. Trong đó có Tảo xoắn Spirulina nguyên chất dạng viên và tảo xoắn Spirulina tươi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ nhiệm Dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng KHCN hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến tảo xoắn Spirulina tại thành phố Tam Điệp” cho biết: Nhận thấy tảo xoắn Spirulina là thực phẩm tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp,… nhưng người dân Việt Nam chưa biết đến nhiều. Mặt khác, đối với những người có nhu cầu đối với loại sản phẩm này phải mua hàng nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao, khó kiểm soát về chất lượng. Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng của người dân, sau thời gian đi vào hoạt động, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt quyết tâm mở rộng quy mô, cho ra đời những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng Việt với giá thành hợp lý. Hiện HTX đang có 2 khu nuôi cấy tảo, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với việc sản xuất theo quy trình khép kín từ nuôi trồng đến tạo ra sản phẩm, đến nay, HTX Tảo Việt đã cho ra đời các sản phẩm từ tảo Spirulina, gồm: Tảo tươi nguyên chất, tảo bột khô, tảo khô ép viên, tảo Spirulina mật ong, tảo đắp mặt nạ. Bên cạnh việc nuôi trồng tảo xoắn và chế biến thành phẩm để cung cấp cho thị trường, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt còn là nơi cung ứng giống cho rất nhiều cơ sở nuôi trồng khác trong nước, đặc biệt HTX này là nơi duy nhất ở miền Bắc có thể nuôi trồng được tảo xoắn vào mùa Đông. HTX đang tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức lương 6.000.000 đồng/người/tháng. Được biết, HTX đã bắt đầu chuyển giao công nghệ nuôi tảo để nhiều người có thể học tập, phát triển kinh tế.
Cũng trên địa bàn xã Đông Sơn, HTX dược liệu Đông Sơn có nhiều năm kinh nghiệm chuyên sản xuất các loại dược liệu như tinh dầu tràm. Đặc biệt, từ khi tham gia chương trình OCOP đã giúp cho chất lượng sản phẩm của HTX ngày một nâng lên và đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Với việc vừa làm vừa nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đến nay HTX dược liệu Đông Sơn đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng như: các loại tinh dầu tràm, dầu gội thảo mộc, dầu xả thảo mộc, xà bông tắm tràm trà, sữa rửa mặt tràm trà, cao xoa tràm. Trong các sản phẩm của HTX, năm 2020 sản phẩm tinh dầu tràm đã được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu, năm 2022 được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết: Năm 2019, xã Đông Sơn bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Khi mới bắt đầu triển khai còn gặp nhiều lúng túng. Sau thời gian tìm hiểu chúng tôi nhận thấy tham gia vào xây dựng sản phẩm OCOP sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Đồng thời xác định mục tiêu của Chương trình là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, xã Đông Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, có tác động quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, đồng thời khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đến nay, xã Đông Sơn có 7 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Sản phẩm chè An Nguyên (2 sản phẩm); Tảo xoắn Spirulina tươi và tảo xoắn Spirulina nguyên chất; Cơm cháy Phương Linh; Du lịch cộng đồng; Tinh dầu tràm.
Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết thêm: Để tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chúng tôi đã hướng dẫn làm các thủ tục, giới thiệu sản phẩm… Qua đó góp phần giúp các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương, tạo sự lan tỏa để chương trình được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở có sản phẩm OCOP đang tạo việc làm cho 5-7 lao động với mức lương 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.
Nhận thấy được những giá trị của Chương trình OCOP, để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Đông Sơn đang tiếp tục quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Hỗ trợ tích cực cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan để giúp các chủ thể tự tin hơn khi tham gia chương trình OCOP.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất. Năm 2023, xã Đông Sơn dự kiến xây dựng thêm từ 6-7 sản phẩm OCOP như: Thịt lợn trà xanh, thịt gà thảo dược, rượu vang đào, rượu đào ngâm, bột dinh dưỡng tảo xoắn…
Bài, ảnh: Tiến Đạt