(CT) – Theo UBND quận Thốt Nốt, hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quận Thốt Nốt phát triển an toàn, người nuôi thu được lợi nhuận ổn định.
Mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở Thốt Nốt.
Hiện nay, quận Thốt Nốt có tổng diện tích nuôi thủy sản là 327,08ha, đạt 76,96% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt 287,3ha (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 36,75ha), đạt 73,67% so với kế hoạch, diện tích ương cá tra giống 17,6ha, diện tích nuôi cá lóc 1,3ha, cá trê 3,88ha và 17ha diện tích nuôi cá khác. Hơn 4 tháng đầu năm 2023, toàn quận thu hoạch thủy sản với tổng sản lượng 33.661,6 tấn, đạt 32,39% so với kế hoạch, trong đó sản lượng cá tra thu hoạch 32.534 tấn (giảm 1.401 tấn so với cùng kỳ năm 2022), đạt 31,89% kế hoạch năm, cá bè 584 tấn, cá khác 543,6 tấn. Ðối với diện tích nuôi cá tra thương phẩm, hiện quận Thốt Nốt có 169,56ha của 77 cơ sở nuôi cá tra được chứng nhận nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, BAP, ASC… được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có các hộ nuôi cá tra riêng lẻ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá đạt kích cỡ thương phẩm, do đó giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm nên đôi khi hộ nuôi không thu được lợi nhuận. Hiện giá thành nuôi cá tra trên địa bàn từ 27.000-28.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 28.500-29.500 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 2.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi thu được lợi nhuận khoảng 1.000 đồng/kg.
Từ nay đến cuối năm 2023, quận Thốt Nốt tăng cường thu mẫu quan trắc môi trường nuôi thủy sản theo kế hoạch, kiểm tra định kỳ cơ sở nuôi cá tra duy trì cam kết nuôi an toàn thực phẩm theo quy định; kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên sông Hậu và các kênh rạch, nhằm phát hiện kịp thời trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định; hướng dẫn hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản trong lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là cá tra…
Tin, ảnh: H.VĂN