Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay 27/5, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan điều hành phiên thảo luận tổ chiều 27/5.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình cao với Tờ trình của UBTVQH về Nghị quyết Chương trình giám sát năm 2024.
Về công tác giám sát năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nhận thấy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH quan tâm và đã có nhiều đổi mới, ban hành Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan của Quốc hội, làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Điểm mới của nhiệm kỳ này là quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và UBTVQH đã triển khai sớm các Chương trình giám sát năm trực tuyến và kết nối tất cả các địa phương do Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chủ trì.
Qua đó, tạo ra một sự thống nhất, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện từ Trung ương, địa phương, đồng thời tránh được sự chồng chéo về nội dung giám sát giữa Quốc hội với địa phương. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy điểm mới này trong những năm tiếp theo.
Về Chương trình giám sát năm 2024, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh bày tỏ đồng tình với nội dung giám sát tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề xuất với Quốc hội đưa nội dung vào Chương trình giám sát theo Luật Giám sát tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, nội dung giám sát việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, việc đưa nội dung giám sát Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn là một điều rất cần thiết và phù hợp với Khoản 5, Điều 13 Quy chế giám sát của Quốc hội. Đồng thời sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại hội trường sáng 27/5.
Về giám sát chuyên đề Quốc hội năm 2024, trong 4 chuyên đề, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề là chuyên đề 1 và chuyên đề 4.
Đại biểu cũng đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo sớm việc ban hành kế hoạch và chọn địa phương để giám sát, để Đoàn ĐBQH các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát của mình để tránh trường hợp Quốc hội chờ báo cáo của các tỉnh rồi mới chọn địa phương giám sát, dẫn đến tình trạng một địa phương, một chuyên đề có 2 Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thảo luận tại tổ số 5 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Gia Lai và Vĩnh Long. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc điều hành phiên thảo luận.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu Bùi Thành Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng bộ Ngoại giao, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc và Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đều nhất trí cho rằng, nội dung sửa đổi lần này dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đồng thời khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với hai luật về xuất, nhập cảnh, việc sửa đổi, bổ sung lần này góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc sửa đổi cũng là hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết trong tình hình hiện nay xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thiệu Vũ