Cách đây 13 năm, vào ngày 21/10/2010, trong lễ bế mạc LHP Quốc Tế Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, MC – nhà báo kỳ cựu Lại Văn Sâm đã khiến dư luận đứng hình khi “ngẫu hứng dịch sai lời” của nam diễn viên Ngô Ngạn Tổ.
Cụm từ “ngẫu hứng dịch sai” là lời bình của tờ Tuổi Trẻ sau khi chờ đợi một tuần, mà người trong cuộc vẫn quyết tâm im lặng.
Cho tới hơn một năm sau, MC Lại Văn Sâm mới trải lòng cùng người hâm mộ và truyền thông, rằng thực ra khi ấy anh không dịch, mà hoàn toàn “bịa ra” (nguyên văn) một số câu nói nhằm tránh để sân khấu “chết” trong khoảng 10 giây.
Dù vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sự cố của MC Lại Văn Sâm vẫn có thể thông cảm được vì anh ấy du học ở Nga, rất giỏi tiếng Nga nhưng không biết tiếng Anh. Việc bịa lời của anh Sâm cũng với mục đích là lấy một cái sai ít (dịch bịa) để cứu cho một cái sai nhiều (sân khấu chết vì phiên dịch “thật” bỗng dưng biến mất).
Nhưng “sự cố” của MC Trấn Thành trong chương trình Người ấy là ai vừa qua thì lại ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác.
Thứ nhất, sự cố của Trấn Thành cần được gọi cho chính xác là bịa đặt chứ không phải dịch sai. Vì khi giải thích về vết sẹo ở cánh tay của mình, khách mời đã chia sẻ về việc các bác sĩ dùng phần da ở đây để tạo hình dương vật, nhằm giúp anh ấy hoàn thiện khâu cuối trong cuộc đại phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam. Hoàn toàn không liên quan gì đến việc “mở mạch máu để tiêm hormone nam vào cơ thể”.
Thứ hai, rất khác MC Lại Văn Sâm là người không biết tiếng Anh, MC Trấn Thành luôn tỏ ra mình thông thạo nhiều ngoại ngữ (ít nhất là tiếng Anh, tiếng Trung) và thường xuyên thể hiện việc này. Thậm chí, đoạn nhận xét với nội dung khen ngợi một giọng ca giấu mặt của Trấn Thành trong chương trình The Masked Singer Vietnam đã từng gây bão khắp mạng xã hội vì độ “lồng lộn” trong việc dùng từ vựng tiếng Anh của nam MC.
Thứ ba, trong khi việc dịch bịa của MC Lại Văn Sâm chỉ dừng lại ở việc khiến người xem và sau này là khách mời (có thể) cảm thấy phiền lòng. Thì việc dịch bịa của Trấn Thành lại tiềm ẩn nguy cơ khiến người khác tổn hại nghiêm trọng về sức khoẻ. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, việc tiêm hormone nam, cụ thể testosterone vào mạch máu là chống chỉ định.
“Việc này rất nguy hiểm bởi nó có thể hướng dẫn mọi người tiêm hormone sai cách. Trong y khoa, hormone testosterone được sử dụng rất nhiều, không riêng người chuyển giới. Testosterone như dầu vậy, không tan trong nước. Tiêm vào máu có thể gây thuyên tắc mạch. Nếu thuyên tắc mạch máu lớn hoặc trên phổi có thể gây tai biến cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Khoa Bình cho biết.
Thứ tư, phần dịch bịa của Trấn Thành xuất hiện trong một chương trình có biên tập chứ không phải là trực tiếp. Tức là, trách nhiệm ở đây cũng nằm rất lớn ở phía Nhà sản xuất trong khâu kiểm duyệt, chứ không chỉ là lỗi của Trấn Thành.
Tóm lại, việc bịa lần này của Trấn Thành là lỗi lớn và nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay, mới chỉ có nhà sản xuất lên tiếng xin lỗi, còn Trấn Thành chọn cách là im thin thít.
Với sự cố lan truyền một thông tin bịa đặt về y khoa trên sóng truyền hình, việc im lặng lúc này lại vô cùng sai trái.
Tôi đã đọc thử một bài viết về việc “Nhà sản xuất Người ấy là ai xin lỗi”. Trong đó, có đường link dẫn lại bài viết cũ tường thuật nội dung show trước khi sự cố xảy ra. Và trong “bài viết cũ” này, tất cả mọi thông tin – bao gồm cả phần dịch bịa” của Trấn Thành – vẫn y nguyên như cũ. Hay nói cách khác, không có bằng chứng cho việc lời xin lỗi từ phía Nhà sản xuất (không kèm theo Trấn Thành) đủ sức nặng để đính chính được tới những người đã bị tiếp nhận thông tin sai.
Sự cố này tuy lớn, nhưng cách xử lý thì lại vô cùng đơn giản. Trấn Thành hoàn toàn có thể kích hoạt một quy trình 5 bước như sau:
Lên tiếng xin lỗi, kể cả đơn lẻ hay “kẹp chung” với nhà sản xuất đều ổn. Vì nhà sản xuất có lỗi trong khâu kiểm duyệt, nhưng nam MC có lỗi trong việc bịa thông tin.
Tích cực dùng sức ảnh hưởng của mình để nhờ fanclub, người theo dõi mình trên hệ thống các fanpage, tài khoản tiktok, youtube… mạnh mẽ chia sẻ phần thông tin đúng.
Bằng mối quan hệ cá nhân và hoặc qua phương pháp chính thức, nhờ các trang báo, các kênh truyền thông sửa chữa, đính chính lại những bài viết gốc có đoạn dịch sai.
Kết hợp với các tổ chức, hội nhóm chuyên làm việc với cộng đồng LGBTIQ lên tiếng giúp đính chính thông tin, những như cảnh bảo về nguy cơ tiềm ẩn nếu làm theo nội dung Trấn Thành đã nói.
Có lời xin lỗi đến bạn khách mời chuyển giới, cũng như đến Nhà sản xuất vì rõ ràng Trấn Thành đã ít nhiều gây sóng gió ra cho họ.
Cả 5 việc này, nhìn có vẻ nhiều nhưng thực ra nếu chuyên tâm, hoàn toàn có thể hoàn thành trong chỉ một buổi sáng hoặc chiều. Tất nhiên, điều đó cũng phải kèm theo một điều kiện tiên quyết là Trấn Thành “chọn” cách hành xử đúng đắn, có trách nhiệm, và thực lòng quan tâm đến hậu quả có thể có từ những phát ngôn sai trái của mình.
Trong tập đầu tiên của chương trình Người ấy là ai năm 2023, khi giới thiệu về NPAK – thí sinh chuyển giới từ nữ sang nam – Trấn Thành chia sẻ: “Anh ấy từng là một phụ nữ. Cái tay này, người ta phải mở mạch máu ra rồi đưa hormone và mọi thứ vào để chuyển giới”.
Chương trình cũng đặt phụ đề trong phần giới thiệu về bản thân của NPAK: “Bác sĩ mở mạch máu dưới cánh tay để đưa hormone vào cơ thể tôi”.
Nhiều chuyên gia nhận định việc tiêm hormone nam, cụ thể testosterone vào mạch máu là chống chỉ định.
Tối 23/5, ê-kíp Người ấy là ai lên tiếng thừa nhận sai sót khi đưa thông tin về quá trình chuyển giới của NPAK: “Do sơ suất trong khâu biên tập, ở tập 1 của chương trình, chi tiết nhân vật NPAK nói về nguồn gốc vết sẹo trên cánh tay chưa được truyền tải theo đúng nội dung nhân vật chia sẻ. Chúng tôi chân thành cáo lỗi NPAK cùng quý khán giả”.
Nguyễn Ngọc Long(Chuyên gia truyền thông)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo