Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: TTXVN)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ bảo đảm các mục đích góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch.
Phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại hội trường Quốc hội sáng 27/5.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; so với thời điểm năm 2019 (trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19), năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 32,6%.
Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn.
“Việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm các mục đích góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư,” Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 9 vào Điều 15, sửa đổi khoản 2 Điều 28, sửa đổi khoản 2 Điều 32 để bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 15 để bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 để phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.
Dự thảo Luật sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 33 quy định về thời hạn sử dụng còn lại của hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh theo hướng hộ chiếu còn thời hạn sử dụng là đủ điều kiện xuất cảnh (bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh).
Nâng thời hạn tạm trú người nước ngoài lên 45 ngày
Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 7 và 9 để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; sửa đổi,bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.
Dự thảo Luật bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Du khách trải nghiệm phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảmtrật tự an toàn xã hội. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 33 để bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú; sửa đổi khoản 2 Điều 44 để bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định.
Cho báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực. Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.
Một số ý kiến cho rằng, như hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ…/.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/nang-thoi-han-cap-thi-thuc-dien-tu-cho-nguoi-nuoc-ngoai-len-3-thang/864844.vnp