Đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị quy định trong luật tổng số sĩ quan cấp tướng tại ngũ, tại chức để tránh chuyện “xã hội đang nói là tướng công an nhiều quá”.
Phát biểu tại phiên họp tổ chiều 27/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, ông Đinh Ngọc Minh (chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nói quy định cụ thể cấp tướng sẽ giúp việc kiểm soát dễ dàng hơn.
Về đề nghị tăng vị trí có trần quân hàm cấp tướng, ông Minh cho rằng nội dung này “không đúng tinh thần Bộ trưởng Công an nói là bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (phó đoàn TP HCM) cho rằng, nếu quy định sĩ quan công an biệt phái giữ nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh hàm thượng tướng thì phải xem xét luôn cấp bậc hàm của Phó chủ tịch Quốc hội đang phụ trách mảng này.
“Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đang mang cấp bậc hàm thượng tướng. Nếu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội với lý do chuyển từ Thứ trưởng Bộ Công an sang nên phải quy định có cấp hàm thượng tướng thì tôi cảm thấy không được ổn lắm”, bà Tuyết nói.
Tăng tuổi phục vụ ‘giúp nữ sĩ quan thoát cảnh chưa kịp cất cánh đã hạ cánh’
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Phó đoàn Cà Mau) nói qua tiếp xúc cử tri, người lao động hầu hết đều mong giảm tuổi nghỉ hưu, trong khi đó, ban soạn thảo xây dựng dự án sửa đổi Luật Công an nhân dân lại muốn tăng. “Tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài? Có lợi ích gì trong này không hay là do được giác ngộ nên muốn cống hiến nhiều hơn”, ông Hận đặt vấn đề, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung này để có sự hài hòa.
Dẫn lại lời của một đại biểu Quốc hội phát biểu trước đó, ông Hận nói Luật Công an nhân dân có “tuổi đời quá trẻ” khi vừa được sửa đổi năm 2018, hiệu lực từ 2019, đến nay chưa đầy 4 năm đã phải sửa đổi. Qua rà soát, ông thấy Luật không có thêm nhiệm vụ gì đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chủ yếu thêm một số điều luật “mà mục tiêu có vẻ thuận lợi hơn như thực hiện các quyền như điều kiện thăng hàm cấp tướng trước thời hạn, thêm vị trí hàm cấp tướng, rồi nâng tuổi nghỉ hưu…”.
“Việc sửa luật để đồng bộ hệ thống pháp luật là cần thiết, song với luật mới ban hành chưa được bao lâu và cũng chỉ sửa một số nội dung vì lợi ích cho ngành, đơn vị thì cũng nên xem xét”, ông nói.
Có quan điểm ngược lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng có thực trạng nhiều cán bộ công an còn nhiều sức khỏe để cống hiến nhưng “đã nghỉ hưu vì hết tuổi”. Do đó, đề xuất tăng thời hạn phục vụ là hợp lý trong thời bình.
“Sĩ quan quân đội cũng chỉ có tuổi làm việc là 35 năm đang quá thấp, nhiều bất cập trong lực lượng, đề nghị Quốc hội cân nhắc để có sự đồng bộ, không chênh lệch”, ông Hải nói.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an Hà Nội) cho biết việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an có nhiều điểm lợi. Đó là tạo được sự đồng bộ, tương thích với bộ Luật Lao động, giúp củng cố các quỹ bảo hiểm xã hội. Sĩ quan cấp cao khi được kéo dài tuổi phục vụ cũng giúp lực lượng được tận dụng được kinh nghiệm công tác của họ.
Trả lời ý kiến băn khoăn về tăng tuổi đối với nữ sĩ quan, tướng Trung nói hiện nay số lượng nữ trong lực lượng công an chỉ chiếm hơn 10%, đa phần công tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính. Việc kéo dài hạn tuổi sẽ giúp nữ sĩ quan tránh được thực tế “đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh” (trước đó phải lo việc gia đình, con cái, đến khi rảnh hơn để phấn đấu trong công việc lại đến tuổi nghỉ hưu).
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cho rằng đề xuất sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ là thống nhất với các ngành khác.
Người có học hàm, học vị cao luôn được khuyến khích làm việc tiếp, nhưng cần quy định rõ những người này chỉ làm chuyên môn chứ không được làm quản lý. “Nhìn ở mặt tích cực thì kéo dài tuổi hưu sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao”, bà Lan nói.
Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan là thượng tá tăng 3 tuổi, nữ sĩ quan cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện nay. Sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ.
Theo Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035). Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Sơn Hà – Viết Tuân