Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo những chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.
Phong trào văn hóa, văn nghệ học đường ở Nghĩa Hưng phát triển rộng khắp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. |
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về việc xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa” (Nghị định 122) đã nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành của tỉnh đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ở cơ sở. Các phong trào, cuộc vận động văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong các gia đình, khu dân cư. Nhiều nét đẹp trong văn hóa, ứng xử được cộng đồng ủng hộ, đã trở thành những chuẩn mực về nếp nghĩ, lối sống, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng, cho mỗi gia đình và cá nhân. Đến hết năm 2020, 100% thôn, xóm, tổ dân phố trong tỉnh có hương ước, quy ước được công nhận. Năm 2022, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, xây dựng hương ước, quy ước mới. Đến nay, toàn tỉnh có 639 thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước mới; trong đó có 362 hương ước, quy ước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 578.453 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 93,16%); 2.048/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 94,81%); hơn 1.500 khu dân cư “5 không”; 394 chùa tinh tiến; 847 lượt xứ, họ đạo tiên tiến; hơn 90.500 lượt gia đình Công giáo gương mẫu; 89% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh là một trong những nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, sản xuất. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, Liên đoàn Lao động từ tỉnh đến các huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch chi tiết, quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ bình xét cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, tác phong lao động công nghiệp nhằm xây dựng hình ảnh người lao động mới phát triển toàn diện, khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, có nếp sống, lao động lành mạnh, văn minh hiện đại. Cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nâng cao ý thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tham dự, thực hành lễ hội truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 90% gia đình cán bộ, công nhân viên chức, người lao động được công nhận đạt “Gia đình văn hóa”.
Giải Thể thao Công đoàn viên chức tỉnh thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tham gia. |
Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú với gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 CLB văn hóa, văn nghệ, 1.680 CLB TDTT cơ sở hoạt động sôi nổi. Tỷ lệ người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên chiếm hơn 36% tổng dân số; khoảng 19,1% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; hơn 3.000 lượt hội viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức hơn 700 buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa từ truyền thống đến hiện đại. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo vừa trang trọng, lành mạnh, vừa tiết kiệm phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được gìn giữ gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, phát huy; công tác quản lý, tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều chuyển biến tích cực đảm bảo nếp sống văn minh; nhất là các lễ hội quy mô lớn như các Lễ hội: Khai ấn Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Keo Hành Thiện, Chợ Viềng Xuân… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, góp phần gắn kết tình nghĩa cộng đồng.
Bộ VH, TT và DL vừa ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023-2025 nhằm triển khai thực hiện xây dựng môi trường văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trên tinh thần thực hiện Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023-2025 gắn với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp… theo hướng lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ. Nhân rộng các mô hình văn hóa, mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần củng cố môi trường sống nề nếp, văn minh, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa nhằm khơi dậy khát vọng phát triển quê hương. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, lễ hội thiết thực, hiệu quả, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong, mỹ tục của từng địa phương. Bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế – xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng