Từ 12 giờ ngày 8.1, Q.Tây Hồ kiểm soát dịch theo phương án mới khi chuyển xuống cấp độ 2 (vùng vàng). Cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 5 phường Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng An, Thụy Khuê và Tứ Liên được bán tại chỗ, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày. Trước đó, từ ngày 26.12.2021, hàng quán Q.Tây Hồ chuyển sang bán mang về vì tình hình dịch ở cấp độ 3.
Vui mừng vì mở bán trở lại lúc gần Tết
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trưa ngày 8.1, các hàng quán trên phố Thụy Khuê, Nguyễn Đình Thi (Q.Tây Hồ) đã mở bán tại chỗ trở lại. Người dân cũng đến quán ăn trực tiếp sau khoảng thời gian quán chỉ bán mang về. Hầu hết nhân viên, chủ quán đều đeo khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn để phục vụ khách.
Hàng quán trên phố Thụy Khuê đón khách đến ăn trực tiếp từ trưa nay, 8.1 |
dương lan |
Chị Đàm Thu Trang (39 tuổi, chủ quán bún trên phố Thụy Khuê) cho biết, tối qua sau khi biết tin hàng quán được bán tại chỗ, chị đã gọi mối nhập hàng đặt thêm nguyên liệu. Hôm nay, chị lấy 20kg bún vì biết khách sẽ đến ăn nhiều hơn so với mua mang về.
“Thấy quận tôi chuyển sang vùng vàng là sướng lắm, hàng quán sẽ được bán trực tiếp. 10 ngày vừa rồi bán không được nhiều vì khách muốn ăn tại chỗ, không thích mua mang về. Tối qua biết tin nên tôi lấy nhiều hơn vì hôm nay bán tại chỗ, khách quay lại như lúc trước”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang chuẩn bị bún cho khách |
dương lan |
Cũng theo chị Trang, dù đã miễn phí tiền hộp nhưng không có nhiều khách mua mang về. Chị vui mừng chia sẻ: “Nghỉ bán trực tiếp 10 ngày thu nhập kém hẳn. Hy vọng việc bán tại chỗ được duy trì lâu dài”.
Người dân đến ăn trực tiếp sau khoảng 10 ngày chỉ mua mang về |
dương lan |
Ông Nguyễn Xuân Bách (46 tuổi, chủ quán phở trên phố Thụy Khuê) cho biết việc được bán trực tiếp khiến những người bán hàng rất vui vì thu nhập tăng thêm để trang trải chi phí và sinh hoạt hằng ngày. Ông cũng chủ động làm vách ngăn, chuẩn bị nước sát khuẩn cho khách ăn uống tại quán.
Ông Bách phấn khởi khi được bán tại chỗ trở lại |
Dương lan |
“Khách quán tôi chủ yếu là dân văn phòng. Dù được bán tại chỗ trở lại nhưng cũng chưa đông lắm vì hôm nay là cuối tuần. Tôi cứ để khách mỗi người một bàn, giờ thời dịch nhiều người thấy quán đông quá cũng không dám vào. Chỉ mong được bán lâu dài vì gần đến Tết rồi, chứ vài ngày sau lại chỉ bán mang về thì buồn lắm”, ông Bách chia sẻ.
Người mắc Covid-19 có triệu chứng gì thì cần dùng thuốc Molnupiravir? |
Tranh thủ ăn nhanh, ngại tập trung đông
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (62 tuổi, ở Q.Hoàng Mai) ghé quán bún trên phố Thụy Khuê ăn trưa vì hôm nay bà có việc phải đi qua Q.Tây Hồ. Ở quận bà sống hàng quán vẫn chưa được mở bán trực tiếp trở lại nên hằng ngày bà nấu ăn ở nhà.
“Mấy hôm trước tôi cũng ăn ở quán này, thấy sạch sẽ, cũng ngon nên hôm nay có việc đi qua đây ghé vào ăn. Ăn trực tiếp ngon hơn nhiều so với mua mang về, trời lạnh được ăn bát bún nóng hổi cũng ấm bụng. Mùa dịch nhà tôi chủ yếu ăn ở nhà, ít khi ra ngoài, hơn nữa hàng quán khu tôi ở vẫn chỉ bán mang về vì tình hình dịch phức tạp”, bà Thoa nói.
Bà Thoa cùng chồng ghé quán bún khi có việc qua Q.Tây Hồ |
dương lan |
Chị Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, ở Q.Tây Hồ) cho hay, vì tình hình dịch phức tạp, nhiều ca trong cộng đồng nên chị không đến những nơi đông người. Hôm nay, chị ghé quán bún gần chỗ làm tranh thủ ăn nhanh rồi về.
Chị Linh tranh thủ ăn nhanh rồi về |
dương lan |
“Bữa giờ tôi toàn mua mang về hôm nay hàng quán mở bán lại nên ra quán ăn cho ngon. Tôi biết có những người đi 10km để đến những quận không cấm bán tại chỗ ăn uống. Theo tôi đã đóng thì đóng hết, đã mở thì mở hết vì chỗ này mở, chỗ kia đóng mọi người sẽ dồn đến ăn một chỗ, tụ tập đông hơn”, chị Linh chia sẻ.
Nhân viên quán dọn dẹp đón khách vào ăn |
dương lan |
Hàng quán dựng vách ngăn |
dương lan |