Đại lễ Phật đản là dịp chuyển tải giá trị đạo đức nhân bản Phật giáo để Phật tử thể hiện sự tôn kính Đức Phật, lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương, tinh thần từ bi bác ái và nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nhân dân và Phật tử cử hành nghi lễ tắm Phật.
Đại lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức vào rằm tháng tư âm lịch hàng năm để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật lúc nhỏ là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ) năm 624 trước Công nguyên.
Năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết công nhận đại lễ Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế vì hòa bình nhân loại. Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), thực hành ăn chay và giữ ngũ giới, tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), làm việc từ thiện, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Đại lễ Phật đản là ngày để các vị chức sắc, chư tăng, Phật tử ôn lại truyền thống phục quốc an dân được kết tinh qua hơn 2.500 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là dịp các giáo hội phật giáo tăng cường tình đoàn kết hòa hợp, củng cố và trang nghiêm giáo hội theo phương châm đạo pháp dân tộc, đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thông điệp đại lễ Phật đản năm 2023, Phật lịch 2567 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) gửi Chư Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni và quý Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nêu rõ: “Mùa Phật đản Phật lịch 2567 trở về, người con Phật khắp năm châu lại được hân hoan đón mừng ngày Đấng Đạo sư thị hiện ở đời vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người. Đây là dịp cho tất cả chúng ta cùng ôn lại lịch sử của Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của ngài. Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội”.
Mừng lễ Phật đản năm nay, các tăng ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo gắn với ý thức trách nhiệm công dân; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương; chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lễ Phật đản được tổ chức tại các chùa trong không khí trang nghiêm, thành kính, đề cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, hòa chung niềm hân hoan mừng lễ Phật đản trên mọi miền Tổ quốc, từ đầu tháng 4 âm lịch, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức lễ Phật đản, Phật lịch 2567, dương lịch 2023 tại các chùa. Tại buổi lễ, các đại biểu cùng chư tăng ni, Phật tử tham gia các nghi thức Phật đản truyền thống: tụng niệm kính mừng Phật đản, cầu nguyện cho quốc thái dân an, dâng hoa cúng dường, đọc thông điệp Phật đản, Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ GHPGVN, diễn văn Phật đản, Phật lịch 2567 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, thực hiện lễ Mộc dục (tắm Phật) – nghi lễ quan trọng nhất của đại lễ Phật đản. Trong nghi lễ tắm Phật, các loại nước thơm sạch, ướp hương hoa được sử dụng để rưới lên tôn tượng đức Phật sơ sinh. Ngoài mục đích cúng dường, kỷ niệm ngày khánh đản của Đức Phật, nghi lễ còn chứa đựng ý nghĩa về sự tẩy trừ trần lao phiền não, hướng con người đến an vui, nuôi dưỡng thân tâm, vun bồi công đức. Cũng dịp này, Ủy ban MTTQ tỉnh đang tích cực chuẩn bị nội dung để tổ chức tổng kết 5 năm phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào giai đoạn 2017 – 2022.
Thượng tọa Thích Trí Sử, Phó Trưởng ban Ban Trị sự, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh cho biết: Trong mùa Phật đản, các Phật tử nhớ giữ tâm mình sáng trong, luôn hướng về điều thiện và thực hành đúng giáo lý Phật pháp để ngày càng hoàn thiện bản thân, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng thời, lan tỏa những giáo lý tốt đẹp đó tới mọi người xung quanh để xây dựng tình đoàn kết và cuộc sống hạnh phúc, đó là những điều mà đạo Phật hướng tới. Dịp này, các Phật tử có thể đến chùa cùng thực hành các nghi lễ, lắng nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân cho tâm hồn được thanh tịnh và tham gia các hoạt động công quả, từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng.
Lương Thế Lộc
Ủy ban MTTQ tỉnh