Điểm xuất phát là ở nước này trong 2 năm qua đã có tới 5 lần bầu cử quốc hội mà vẫn chưa có chính phủ ổn định. Nếu bây giờ, hai phe vốn đối lập về chính trị như thể không đội trời chung không thành lập được chính phủ liên hiệp thì sắp tới, cử tri lại phải bầu cử.
Thí nghiệm chính trị này được cả trong lẫn ngoài Bulgaria quan tâm. Dư luận trong nước e ngại về tính ổn định bền vững của thỏa thuận như vậy. Bên ngoài, đặc biệt là EU quan ngại vì 1 trong 2 phe đang thương thảo thành lập chính phủ rất thân Nga. Bi hài kịch ở đây là áp lực chính trị ghê gớm về đối nội buộc 2 phe phải liên minh cầm quyền, nhưng chính phủ liên hiệp này sẽ chịu áp lực cũng ghê gớm không kém từ phía EU và NATO mà Bulgaria là thành viên.
Chỉ riêng sự ra đời của thí nghiệm chính trị này ở Bulgaria đã cho thấy nội bộ chính trường và xã hội ở đây bị phân rẽ rất sâu sắc. Ý tưởng này không phải nhằm hướng tới kết quả tốt đẹp nhất mà chỉ để tránh cái tồi tệ nhất cho Bulgaria. Nhưng đồng thời việc hai phe phái đối kháng nhau quyết liệt giờ có thể đi cùng thuyền lại chứng tỏ các đảng phái chính trị phải dựa vào nhau để tồn tại và vươn tới được quyền lực. Trên phương diện này, Bulgaria không ở ngoài chiều hướng diễn biến chung đã bộc lộ từ nhiều năm nay ở châu Âu.