Khi các bãi bồi giữa sông Trà trắng bãi bờ lau là lúc gió đông về lành lạnh hiu hiu. Màu lũ đỏ vàng từ thượng nguồn cũng không còn tuôn xuống, sông Trà xanh hơn khi thời gian trôi dần về tháng chạp. Cái lạnh mùa đông thường kéo các bạn trẻ tìm về những quán don đơn sơ ở các làng ven hạ lưu sông Trà để mua về nhà, nhâm nhi tô don nghi ngút khói, môi đỏ, mắt cay, thỏa mãn.
Ngâm mình cào don dưới sông |
PHẠM ANH |
Hôm nay, quán don Gáo Dừa ở thôn Cổ Lũy (xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) cũng tất bật không ngừng tay, dù dịch Covid-19 đang còn đó. “Hơi khó một chút, nhưng bán hàng mang về cũng không kém mấy so với hồi chưa dịch”, bà Phạm Thị Kim Liên (65 tuổi), chủ quán, đon đả.
Cẩn thận múc don bằng chiếc gáo dừa ra tô, cho vào túi ni lông, bà Liên bảo mùa này nước don không vàng đậm như tháng 3 giao mùa sang hè, nhưng “yên tâm, mùa nào cũng ngon”. Nước don béo ngậy cứ bay khói lên phả vào mặt, nhìn thôi cũng thèm không chịu được. Chưa vội ăn don, chỉ đưa muỗng canh don vào miệng, đã nghe vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, thêm một chút cay cay nhè nhẹ đi sâu tận tâm can.
Trưa, khi còn ít khách, bà Liên mới trò chuyện được với tôi. Rằng khi tuổi đôi mươi về nhà chồng, bà được mẹ chồng (bà Phạm Thị Cẩm) truyền nghề. Hồi đó, sớm tinh mơ, cha chồng bà Liên ra sông Trà cào don, còn mẹ chồng ở nhà chuẩn bị củi, nước… Gần trưa, chồng mang don về là tới công đoạn chà vỏ, rửa, ngâm cho nhả hết cát, rồi don được luộc cho đến khi há miệng, để có nước ngọt thanh, nguyên chất. Thịt don sau đó sẽ thêm hành tây, bánh tráng, ớt.
Sau đó, bà Cẩm quẩy gánh don lên thị xã Quảng Ngãi bán. Quang gánh khi ấy là hai cái ui (vò bằng đất nung), có tô sành, đũa, bánh tráng… Cứ thế mỗi ngày gánh hàng chục ký chạy hàng chục ki lô mét. Hôm nào thừa tiền mua gạo thì để dành cho hôm sau. Hôm trời mưa gió, bán không hết, cả nhà xoay qua “giải quyết” gánh hàng don để tiết kiệm gạo. Bà Liên còn nhớ, ngày xưa có khi không đủ sữa nuôi con, các bà mẹ ở đây vẫn chế biến don để cho con uống thay sữa.
Tô don sông Trà ở quán Gáo Dừa |
Bà Liên không bao giờ dùng điện nấu don, hay dùng thìa bằng đồng, sắt, nhôm… Cả đời bà trung thành với gáo dừa múc canh don làm từ dừa Cổ Lũy quê mình, giống như mẹ chồng. Bà Cẩm giờ về nơi chín suối, bà Liên vẫn còn giữ cái gáo dừa, đôi quang gánh có hai cái ui của mẹ chồng làm kỷ vật, treo trong nhà để nhớ lại một thời mưu sinh gian khó.
Cái quán don tên “Gáo Dừa” bà Liên dựng lên cũng nhắc cho con cháu mãi nhớ về người mẹ, người bà tần tảo thuở xưa.
Ở làng don Cổ Lũy, có ngót nghét trăm hộ gia đình bây giờ vẫn sống bằng nghề don. Cầm tô don nóng hổi, không thể không nhớ đến hình ảnh những người cào don dầm mình đến ngực giữa sông Trà, mặc cho mưa hay nắng, lạnh hay nóng. Đồ nghề chỉ là chiếc ghe, cái nhủi, vài cái rổ tre, bao tải…
Hôm đó, chúng tôi gặp ông Võ Tấn (khoảng 60 tuổi) khi ông vừa lên bờ, vác theo bao don chừng 20 kg. Ở đây, trẻ con lớn lên là ra sông tập cào don: 5 giờ sáng ra sông tập, nhanh thì một vài tuần, chậm là đôi tháng, cũng có người không học nghề được. Tất cả đi từ bình minh, đến trưa, chiều khuất nắng, cứ hết lớp này đến lớp khác, vác nhủi ra sông cào vào lòng sông Trà tìm don, như tìm chút sữa mẹ nuôi nấng gia đình, nuôi con ăn học.
Don bây giờ thành đặc sản. Nó không là cao lương, sơn hào hải vị, mà là món quê ngon đậm đà tình quê, tình mẹ…
Người Quảng Ngãi xa quê hay nhớ sông Trà, nhớ món don lõng bõng ăn vào chan chứa không phai.