Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với nhiều nội dung mới bổ sung, thay thế các quy định hiện hành được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi, hoàn thiện hơn nữa công tác này.
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý trong công tác này.
Theo bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, một trong những quy định mới đáng chú ý của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
Cụ thể, Điều 39 dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng phải cung cấp chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin về hàng hóa như giá cả, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, chi phí giao hàng, quy trình xử lý và tiếp nhận khiếu nại…
Riêng đối với các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian phải có trách nhiệm chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá đó.
Đáng chú ý, dự thảo quy định rõ trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, các cơ quan chức năng có quyền công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý theo quy định.
Ngoài ra, danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng bị xử lý bởi cơ quan nước ngoài có thẩm quyền và có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho rằng, hiện nay, xu hướng mua sắm trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Do đó, việc dự thảo luật bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Điều này sẽ khiến các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng phải thực hiện đúng quy định và có biện pháp xử lý các cơ sở, kinh doanh trên mạng buôn bán không uy tín, lừa đảo khách hàng.
“Đối với việc mua hàng qua mạng, tôi cũng đề nghị bổ sung hành vi bị cấm tại Điều 10 đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh là “không cho người tiêu dùng xem, kiểm tra hàng hóa trước khi nhận”. Bởi thực tế nhiều khách hàng khi mua hàng trên mạng không được kiểm tra, đã dẫn đến tình trạng lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Phương nhấn mạnh.
Đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ
Tại Điều 8 của dự thảo luật còn có quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo đánh giá, đây là chế định hoàn toàn mới so với luật hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết, người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo dự thảo được liệt kê gồm các nhóm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo…
Vì vậy, theo ông Quân, việc dự thảo dành riêng một điều luật quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết về bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cũng như quy định nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng tại Điều 6 của dự thảo là một bước tiến mới. Điều đó, sẽ góp phần giúp các nhóm đối tượng này không bị thiệt thòi khi tham gia các giao dịch.
Đồng tình với việc bảo vệ nhóm đối tượng yếu thế, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng: “Đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là đối tượng yếu thế nên theo tôi, dự thảo phải quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi bị xâm phạm quyền lợi thì họ cần liên hệ cơ quan, tổ chức nào và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đó trong hỗ trợ các đối tượng này cần được thể hiện rõ”.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 12 chương, 79 điều. So với luật hiện hành, dự thảo bổ sung thêm 6 chương và 28 điều, sửa đổi 49 điều, nhằm hướng tới việc hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tốt hơn các chính sách, quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
Bài, ảnh: Đ.B