Tất cả đều phải cân nhắc để… lấy hên. Người làng biển cũng hay nói năm mới muốn hên, đừng quên ăn cua huỳnh đế.
Này nhé! Vỏ cua đỏ rực, ánh lên màu lửa gợi sự ấm áp. Bộ dạng cua khỏe khoắn gợi cảm hứng về sức khỏe dồi dào. Thịt cua ngon và bổ tới mức hết chữ để ví von. Hên là đó chứ còn đâu nữa?
Cua huỳnh đế |
TRẦN CAO DUYÊN |
Công bằng mà nói, suốt dọc dài biển rừng sông núi đất nước mình đâu đâu cũng có những giống cua ngon. Nhưng theo dân xuyên Việt, dân xê dịch sành ẩm thực đó đây thì cua huỳnh đế vào loại đẳng cấp của đẳng cấp. Đã đẳng cấp thì giá tiền không thể thấp. Mua một con tầm nửa ký cũng phải tròm trèm 500.000 đồng. Giá cao vậy nhưng cua huỳnh đế chắc chắn “bao ngon” nên nhiều người sẵn sàng mở ví.
Nghe đâu tên “khai sinh” của cua huỳnh đế là hoàng đế. “Thần dân” của nó là hàng trăm loài cua trên bờ dưới biển. Cũng nghe đâu nhà vua lần đầu thưởng thức cua huỳnh đế đã khen nức nở. Vua không lăn tăn gì về tên cua vì giang sơn “của ai” người đó trị vì. Nhưng đám quan nịnh cho rằng cua dưới biển mà cũng hoàng đế, e “xúc phạm” hoàng đế trên bờ nên tự ý buộc dân phải đổi “hoàng” thành “huỳnh”.
Những ngư dân thiện nghệ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết mùa xuân là mùa cua huỳnh đế. “Phương tiện” lâu đời nhất để bắt loại cua “vua” này chính là đôi tay người thợ lặn. Sau đó là bẫy rập. Bẫy rập là một khung sắt nhỏ bao lưới xung quanh, trong rập đặt vài miếng mồi tươi rồi thả xuống tầng đáy. Cua vào rập ăn mồi qua cửa hình phễu rồi “ở luôn” chứ không ra được. Có thể giăng lưới đính mỗi đoạn một vài chú cá tạp. Cua đến ăn sẽ dính chân. Càng giãy càng dính.
Cua huỳnh đế xuất hiện nhiều nhất ở biển Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đó là những vùng biển sâu, cát sạch, độ mặn cao. Nhiều thợ lặn cho rằng mùa xuân trên bờ không đẹp bằng mùa xuân dưới biển. Nước trong veo như kính. Cua huỳnh đế đỏ lựng, tìm mồi trong những rặng san hô sắc màu huyền ảo như thủy cung. Cũng phải thôi. Là bậc “đế” thì dạo chơi ở vườn thượng uyển mới xứng tầm. Thức ăn chính của huỳnh đế là trùn biển (còn gọi là sâm biển) và các loại giáp xác nhỏ. Hèn chi mà thịt của “đế” ngon nức tiếng và giàu dinh dưỡng. Chỉ cần nguyên liệu là cua huỳnh đế, người nội trợ bình thường (không cần đầu bếp học hành bài bản) vẫn làm được món ngon. Là bởi cua huỳnh đế ngon sẵn, ngon từ… căn cơ cốt cách ngon ra.
Có nhiều kiểu chế biến cua huỳnh đế. Ví dụ như tách mai, đập giập que càng, ướp gia vị, tao dầu rồi nấu canh chua. Cả cái và nước đều ngon quắn lưỡi. Với các món rang me, rang muối, nướng…, thịt cua huỳnh đế săn lại, thơm và ngọt tận chân răng. Riêng món hấp chấm muối ớt xanh thì ngon từ mình cua đến mọi ngóc ngách que càng.
Nhiều “fan” huỳnh đế nhất trí rằng gừng, sả hay lá chanh thì thơm đấy nhưng hấp chung với cua dễ làm mờ nhòa cái tinh túy của cua. Cứ hấp không thôi, hấp một cách chân phương, trần trụi thì mới cảm thấu được cái ngọt tươi ròng, cái ngon nguyên vẹn của từng miếng thịt cua. Cắn ngập răng miếng thịt đùi nung núc, trắng nõn nà, được rút ra từ cái càng mập ú, có thực khách đã bật thốt: “Ơi là ngon! Vàng son chắc gì đổi được phút giây này”.
Nhớ tết năm ngoái. Ngán các món ăn trữ từ tủ lạnh, vợ rủ: “Mình huỳnh đế đi anh”. Quán bờ biển thân thuộc, miên man gió khơi nên đặt là “Quán Gió”. Đã gặp cố nhân, còn gặp “cố cua” nữa, như tình cũ không rủ cũng tới, thấy vui gấp hai lần. Bữa đó hên thiệt, trúng hai con cua gạch. Thịt cua đã là hạng nhất, lại vớ được gạch (trứng) cua, từng mảng đỏ như son thì ngất ngây luôn. Gạch cua huỳnh đế tuyệt ngon: hương vị ngọt, béo, bùi cứ nấn ná, quấn quýt rất lâu trên đầu lưỡi.
Chủ quán rót rượu chúc mừng, nói một cách ngụ ý, rằng vợ chồng ông thật là… đại hên. Cua gạch là cua cái. Chỉ giữa mùa hoan ái mới gặp được “nàng”. Bao nhiêu bổ dưỡng đều tập trung cho “nàng” bước vào mùa sinh nở. Ăn đi! “Năng lượng” làm dậy sức xuân cho cả hai đấy nhé!