18:41, 26/05/2023
Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên thảo luận, thống nhất với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu cho biết, cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Nội dung thảo luận về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng là một sự đổi mới để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri.
Đại biểu cho rằng, việc đưa nội dung này vào Chương trình Kỳ họp lần này để các đại biểu Quốc hội cùng thảo luận là rất đúng đắn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân… Đồng thời khẳng định, việc thảo luận sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các bộ, ngành.
Phiên làm việc chiều 26/5. Ảnh: quochoi.vn |
Các ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội rất đa dạng, phản ánh đa chiều các nội dung từ cơ sở bao gồm những đánh giá về kết quả nổi bật trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như những vướng mắc, khó khăn mà cử tri và nhân dân đang gặp phải. Đến thời điểm này, các kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời đạt 99,8%. Đại biểu cho rằng, kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, một số kiến nghị tuy đã được tiếp thu, giải quyết, nhưng còn chuyển biến chậm, chưa được giải quyết kịp thời do việc phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.
Đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ lĩnh vực nào có chuyển biến tích cực, cơ quan nào đã có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có tác động như thế nào.
Đại biểu cũng chỉ ra, đối với những kiến nghị cụ thể, việc trả lời một số Bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng. Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng, trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, một số cơ quan, bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa kịp thời xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Điều này làm cho quá trình rà soát, đôn đốc của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện mất nhiều thời gian, công sức.
Chính vì thế, để công tác giải quyết kiến nghị cử tri thực hiện hiệu quả, đúng với tính chất, mục đích và giải quyết kiến nghị chứ không chỉ trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu đề nghị đối với những vấn đề mang tính sự vụ cụ thể, các vụ việc vi xử lý chế độ chính sách cho người có công hay các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục mà địa phương đang bế tắc, trả lời cần có sự hướng dẫn cụ thể, cần có sự rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để từ đó cử tri các sở, ngành liên quan áp dụng được giải quyết được tận gốc…
Đại biểu cũng đề nghị Ban Dân nguyện quan tâm hơn nữa, đôn đốc việc trả lời kiến nghị của cử tri với các bộ, ngành trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát nội dung trả lời các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện giám sát đến cùng. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri không chỉ giám sát về số lượng các trả lời mà cần phải đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay chưa… góp phần tiếp tục tạo niềm tin của cử tri và nhân dân với Quốc hội.
Nêu ý kiến về việc lãnh đạo đại phương và các sở ngành trực tiếp giải đáp, trả lời nhiều vấn đề liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu đánh giá, các đoàn đại biểu Quốc hội và các địa phương đã rất nỗ lực trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, thông qua rất nhiều kênh khác nhau, không chỉ qua tiếp xúc cử tri.
Theo đó, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình tiếp xúc cử tri có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, xã và các sở ngành trực tiếp giải đáp, trả lời rất nhiều vấn đề liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chính vì vậy, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã giảm đi rất nhiều. Nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân liên quan đến đời sống dân sinh, công tác tổ chức thực hiện, trách nhiệm của chính quyền địa phương đã được giải quyết ở địa phương khá lớn.
Đại biểu cho rằng, thực tế việc giải quyết tốt kiến nghị của cử tri còn trực tiếp ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương, từng địa bàn, từng cụm dân cư, và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng ngày của người dân.
Đại biểu nêu dẫn chứng Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tính bền vững của thẻ BHYT; ở các tỉnh Tây Nguyên, đồng bào sống gần ao hồ, sông, suối gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, phục vụ sản xuất. Câu chuyện thiếu nguyên vật liệu của đồng bào dân tộc thiểu số đã xảy ra từ nhiều năm nay… nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Do vậy, đại biểu mong muốn các bộ, ngành đặt địa vị mình vào cử tri để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân để trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri sao cho thấu đáo và phải gỡ được thực sự…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại phiên họp toàn thể để xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri và được nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và chất lượng thực hiện của các cơ quan chức năng. Đây cũng là cơ sở thực tiễn phong phú để thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận việc thảo luận tại hội trường diễn ra với không khí sôi nổi, các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, khách quan và sát thực tiễn, tập trung vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến đề cập đến các vụ việc cụ thể ở các tỉnh, thành phố kéo dài nhiều năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển cho các cơ quan để tổng hợp, trả lời và nghiên cứu. Đồng thời, các nội dung này sẽ đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5.
Lan Anh (tổng hợp)