Về xã Thọ Vực (Triệu Sơn), chúng tôi đến thăm đền thờ Thái úy khang quốc công Lê Lộng – một trong những người có công lao to lớn dưới thời Lê sơ.
Đền thờ Thái úy khang quốc công Lê Lộng, tại xã Thọ Vực (Triệu Sơn).
Ngôi đền thiêng nằm ở thôn 6, xã Thọ Vực, hiện nay được ông Lê Công Đỉnh, hậu duệ đời thứ 18 dòng họ Lê Công, đã có hơn 60 năm trông coi đền. Ông dẫn chúng tôi tham quan ngôi đền, nhà bia ghi danh công lao của Thái úy khang quốc công Lê Lộng. Ông Lê Công Đỉnh cho biết, ngôi đền có niên đại khoảng 400 năm, nơi đây hiện thờ Thái úy khang quốc công Lê Lộng cùng 4 người thê thiếp và con trai thứ Lê Khắc Kiệm làm quan dưới triều vua Lê Thánh tông, Lê Hiến tông. Đền đang lưu giữ 7 sắc phong về Thái úy khang quốc công Lê Lộng. Năm 2011, đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo các tài liệu, tấm văn bia tại đền và qua lời kể của ông Lê Công Đỉnh thì Thái úy khang quốc công Lê Lộng sinh năm Bính Tý (1396), tại làng Khả Lam, huyện Lương Giang, phủ Thanh Đô (nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân). Lại có tài liệu ghi thuộc làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Ông là người gốc Mường, giữ chức Suy trung bảo chính công thần, Sùng tiến tổng mậu phủ, Nhập nội Kiểm hiệu Thái úy Bình chương quân quốc trọng sự, Thượng trụ quốc, phụng sự tới 4 triều vua Lê sơ là: Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông và Lê Thánh tông. Cha là Lê Miêu, làm quan dưới triều Trần, mẹ tên húy là Lậu, sinh được 2 người con trai, Lê Lộng là con trưởng. Vào năm 1418, khi ông mới trưởng thành nhìn thấy cảnh giặc Minh cướp bóc, uy hiếp dân lành, ông theo Chủ soái Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Bình định xong giặc Minh, ông lại cùng với các công thần hội cùng Lê Lợi, củng cố chính trị, xây dựng đất nước và phụng sự trong suốt 4 triều vua Lê sơ. Ông có vợ là Huy nhân Lê Thị Lỗ, các bà thiếp là Nguyễn Thị Ngai, Lê Thị Kính, Lại Thị Phong. Trong 37 năm làm quan, ông đã có 13 lần thăng chức.
Đến ngày Đinh Mão (tức ngày 23-9) năm Ất Dậu 1465, ông mất tại phủ đệ Kim Sư (tức kinh đô Thăng Long). Trong cung, có thời điểm ông bị bệnh, vua lệnh cho các danh y đến bắt mạch chữa trị; lúc ông sắp mất lại được ban lệnh sai thợ vẽ một bức họa về hình mạo, triều đình cấp tặng lễ vật rất nhiều để lo việc tế cúng. Truy tặng các đồ y quan táng lễ đầy đủ, nghỉ thiết triều 3 ngày, sau đó đưa thuyền trở về quê hương an táng. Trong quá trình làm quan, ông đã để lại tiếng thơm cho thế hệ sau, được xếp vào thứ hạng đệ nhất công thần thời Lê sơ và cũng không ít lần được quốc sử nhắc tới. Trong tấm văn bia tại đền có ghi: “Ông tính trầm lặng, mạnh mẽ, nhưng quả quyết, làm quan trải 4 triều vua, một lòng cần lao phò tá vương gia, đánh đông, dẹp tây thật có công lớn, một lòng sắt son trước sau đáng nêu danh vậy”. Sau này, con cháu ông tiếp nối truyền thống tốt đẹp, trở thành mệnh quan của các triều đình, đức độ được người dân tôn quý. Con trai trưởng của ông là Lê Khắc Cần, giữ chức Nhập nội thiếu úy trong triều đình; con trai thứ là Lê Khắc Kiệm làm quan dưới triều vua Lê Thánh tông và Lê Hiến tông, giữ chức Bắc quân Đô đốc phủ; Thượng tướng quân Lê Công Hiều; Hữu quận công Lê Công Hoa…
Ngày nay, tại xã Thọ Vực, đền thờ Thái úy khang quốc công Lê Lộng được Nhân dân hương khói quanh năm. Đặc biệt vào ngày 23-9 âm lịch tức ngày giỗ của ông, Nhân dân trong thôn, xã sắm sửa lễ vật, thành tâm tế lễ, cầu mong ngài phù hộ nhân khang vật thịnh, đời sống ngày càng ấm no.
Ông Lê Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Vực, cho biết: Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Thái úy khang quốc công Lê Lộng, huyện Triệu Sơn đã triển khai dự án mở rộng khuôn viên đền thờ Lê Lộng tại xã Thọ Vực. Đồng thời xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường bằng đất, giao đất tái định cư dự án và được các hộ dân thuộc diện bồi thường, Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Sau khi mở rộng khuôn viên, đền thờ sẽ được trùng tu, tôn tạo xứng tầm, địa phương hướng đến đề nghị được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thảo Nguyên