Cùng chung niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống của quê hương, các nghệ nhân phường rối Nguyên Xá (Đông Hưng) rất vui mừng, phấn khởi khi hiện nay, đều đặn có thêm nhiều buổi biểu diễn. Điều đó cho thấy, rối nước đang dần nhận được sự quan tâm và ngày càng phát huy vai trò trong việc bảo lưu vốn cổ của cha ông.
Nhà thủy đình phường rối nước Nguyên Xá.
Tự hào về vốn cổ
Đã ở tuổi 80 nhưng Nghệ nhân nhân dân (NNND) Nguyễn Bá Thắng – nghệ nhân cao tuổi nhất hiện nay của phường rối Nguyên Xá vẫn hăng say lội nước theo từng tích trò biểu diễn. Lặn lội với nghề 50 năm qua, ông Thắng hồ hởi chia sẻ: Rối nước Nguyên Xá có nhiều trò đặc trưng. Ví như ở trò sư chạy đàn chỉ Nguyên Xá mới có. Các cụ để lại câu giáo tễu rằng “Dây mắc sao cho sư ra không vướng/Cọc cắm sao chẳng chắn lối sư vào/Dây ngắn, dây dài, mái thấp, mái cao/Gọi là rối mà sao trò không rối”. Các cụ đã đặt vấn đề với khán giả như vậy, cho thấy hết những điểm đặc biệt của rối nước Nguyên Xá.
Ở trò sư chạy đàn, theo như chia sẻ của NNND Nguyễn Bá Thắng, các nghệ nhân phải tính toán sao cho hoàn thành trình tự biểu diễn 6 ông sư, chạy vào 2 đàn gồm đàn nội, đàn ngoại. Ở đàn ngoại, 3 ông sư chạy 3 vòng thuận, 3 vòng nghịch mà không làm rối hệ thống dây được mắc dưới nước. Hay như với trò đu xuân – tích trò độc đáo của phường rối Nguyên Xá, có 2 con quân rối đu đôi, trước khi từng quân rối lên đu thì hát chèo theo điệu cũ rồi mới rủ nhau lên bàn đu đứng, đu tròn 360 độ. Nhiều phường cũng có trò đu nhưng thường là đu đơn, có đu đôi thì cũng là 2 quân rối đã mắc sẵn trên đu, hiếm có sự linh hoạt, mềm mại trong di chuyển. Những chia sẻ ấy đều xoay quanh niềm tự hào của các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá là các trò rối bằng dây, khó và đòi hỏi sự kỳ công, kỹ thuật cao so với rối nước bằng sào, nhiều trò hoàn toàn sử dụng dây nên người nghệ nhân phải điều khiển con rối từ dưới nước, việc biểu diễn rất khó khăn. Trước khi biểu diễn, các nghệ nhân đã phải tính toán kỹ việc luồn dây dưới nước, trình tự sao cho khi một trò với đa dạng các hoạt động của quân rối kết thúc, hệ thống dây đi theo các quân rối ấy cũng được rút đi hết, không tạo nên sự gián đoạn cho phần biểu diễn tiếp theo.
Phường rối nước Nguyên Xá hiện nay có khoảng 20 nghệ nhân. Trong đó, tín hiệu tích cực là đã có nhiều nghệ nhân trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hiệp, Phó Trưởng phường rối nước Nguyên Xá đã có 15 năm gắn bó với nghề, hiện nay là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi của phường cho biết: Làm diễn viên của phường rối mà không có quyết tâm bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cha ông thì rất khó có thể duy trì, bởi nghề rối có nhiều yếu tố vất vả, không chỉ biểu diễn tại nhà thủy đình của phường mà còn thường xuyên di chuyển đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để biểu diễn. Có những ao nước nhìn đã thấy bẩn, hay như thời tiết mùa đông buốt giá nhưng để điều khiển được con rối các nghệ nhân vẫn phải lội xuống, ngâm mình trong nước. Ngoài ra, việc di chuyển quân trò trước mỗi chuyến lưu diễn cũng là cả thách thức bởi đa phần đều được làm bằng gỗ, rất nặng trong khi các nghệ nhân của phường hiện nay hầu hết đã cao tuổi. Ngoài ra, còn là sự kết hợp hài hòa những người hát và người diễn, lời thoại làm sao phải ăn khớp với từng cử chỉ, động tác của quân rối đòi hỏi sự thấu hiểu và thuần thục trong từng khâu biểu diễn… Thế mới thấy, nghề rối lắm công phu và đòi hỏi ở người nghệ nhân không chỉ sức khỏe, sự dẻo dai mà còn là tình yêu tha thiết với nghề.
Các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá.
Nỗ lực trên hành trình bảo lưu
Song song với hoạt động biểu diễn, các nghệ nhân phường rối hiện nay cũng nỗ lực trên hành trình truyền nghề. Nếu như trước đây, việc truyền nghề chỉ dành cho con cháu của làng thì hiện nay, bất cứ ai có đam mê với nghề rối đều được các nghệ nhân tận tình chỉ bảo. Tại nhà thủy đình, vào ngày hè, dù có buổi biểu diễn hay không cũng luôn mở cửa. Học sinh đi học về đều có thể tạt qua, tự tay điều khiển các quân rối. Các nghệ nhân của phường luôn túc trực tại nhà thủy đình để có thể trực tiếp hướng dẫn tận tình cho các em nhỏ hay những người có mong muốn tìm hiểu về trò rối, việc điều khiển quân rối dưới nước và chia sẻ về những tích trò hay, độc đáo của phường. Nghệ nhân phường rối mong mỏi sẽ có những lớp truyền dạy nghệ thuật rối nước để loại hình nghệ thuật độc đáo này của Nguyên Xá sẽ luôn tìm được thế hệ kế cận trên hành trình bảo lưu và phát triển.
Các quân trò của phường rối nước Nguyên Xá được thực hiện sinh động, công phu.
50 năm gắn bó, chứng kiến bao thăng trầm của nghề rối nước, NNND Nguyễn Bá Thắng luôn trăn trở đây là một nghề chơi, kinh phí thu được từ biểu diễn hạn hẹp, nguồn đầu tư hỗ trợ chưa nhiều. Trong khi đó, việc chế tác quân rối đa phần đều từ gỗ, có giá thành tới cả triệu đồng cho 1 quân, nhưng không bền do thường xuyên ngâm nước, dễ hỏng, mục và bị mối mọt. Có thời kỳ, rối nước Nguyên Xá có tới gần 90% quân rối bị mục nát, may mắn sau đó được UBND tỉnh hỗ trợ để làm lại bộ quân rối hiện nay đang sử dụng.
Các quân rối được chế tạo bằng vật liệu mới, bền đẹp với thời gian.
Trăn trở với việc gìn giữ quân rối – linh hồn của mỗi buổi biểu diễn, NNND Nguyễn Bá Thắng đã nghĩ ra vật liệu thay thế trong chế tạo quân rối là cao su xốp, khá nhẹ, bền và không bị mối mọt, ngấm nước. Giá thành tạo nên một quân rối cũng giảm nhiều so với việc làm quân rối bằng gỗ. Niềm vui với NNND Nguyễn Bá Thắng và các nghệ nhân của phường rối Nguyên Xá là vừa qua, hàng chục quân rối bằng cao su xốp đã được đưa vào biểu diễn trong các tích trò của phường, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã cho thấy hiệu quả cao. Từ đó, nhân lên niềm hy vọng về việc có thể tiết kiệm được chi phí chế tác, sửa chữa và gìn giữ bền vững quân rối phục vụ biểu diễn các tích trò.
Buổi biểu diễn của phường rối Nguyên Xá thu hút nhiều học sinh, người dân địa phương theo dõi.
Thường ngày là những thợ cày, thợ cấy, quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng ruộng, với công việc của nhà nông nhiều bận mải, nhưng những nghệ nhân của phường rối nước Nguyên Xá luôn tin và hy vọng vào việc chung tay gìn giữ vốn cổ của cha ông. Từ đó, góp phần thiết thực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tú Anh