TP HCMCác chuyên gia nhận định hiện tại khó xác định chính xác nguyên nhân 6 người ngộ độc botulinum, vì có thể mẫu thực phẩm họ đã ăn hiện không còn, không phải mẫu được xét nghiệm.
Tối 25/5, hai mẫu giò lụa được Phòng Y tế TP Thủ Đức lấy từ nhà bệnh nhân và cơ sở sản xuất đều có kết quả xét nghiệm âm tính độc tố botulinum. 6 bệnh nhân có điểm chung là đều ở Thủ Đức, trong đó 5 người ăn giò lụa bán dạo và một người ăn mắm trước khi xuất hiện triệu chứng. Do đó, về mặt dịch tễ, hai thực phẩm này bị nghi là gây nhiễm độc botulinum.
“Mẫu được xét nghiệm là cùng lô hàng các bệnh nhân đã ăn, được lấy từ cơ sở sản xuất và nhà bệnh nhân ngộ độc”, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức nói, nhưng không cho biết mẫu lấy từ nhà bệnh nhân có phải là phần còn lại sau khi ăn hay không.
Như vậy, câu hỏi là nguyên nhân nào gây ngộ độc? Đại diện phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết đang tiếp tục điều tra.
Về vấn đề này, TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng các bệnh nhân ở cùng địa phương, cùng diễn biến lâm sàng, nên để xác định nguyên nhân thì thường sẽ xem xét điểm chung là cùng ăn giò lụa. “Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân hiện tại rất khó vì phải xem xét lại quy trình lấy mẫu, mẫu kiểm nghiệm có phải là mẫu bệnh nhân ăn hay không”, bác sĩ Ân nói.
Còn ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phó Đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói nếu mẫu được xét nghiệm không phải giò lụa bệnh nhân đã ăn thì kết quả xét nghiệm không phản ánh chính xác.
“Có thể bệnh nhân đã ăn hết và mẫu xét nghiệm là một cây mới cùng nơi sản xuất”, bác sĩ Vy nêu giả thuyết, thêm rằng cũng có thể khâu sản xuất không có vấn đề nhưng quá trình bảo quản bán dạo làm phát sinh độc tố. Bà giải thích thêm là “nguy cơ ngộ độc phụ thuộc vào từng cá nhân ở từng tình huống riêng biệt”, nên có người ăn thì nhiễm độc nhưng có người không bị.
Đồng tình với hai ý kiến trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, nói rằng cách một ca ngộ độc botulinum diễn ra là không thể dự đoán trước được, vì bào tử của nó luôn xuất hiện trong môi trường. Các chùm ca ngộ độc botulinum không giống ngộ độc thực phẩm hàng loạt mà thuộc về riêng lẻ từng hộ gia đình.
Như 6 ca ở TP Thủ Đức, có những triệu chứng điển hình, xét nghiệm dương tính với botulinum, nhưng để kết luận nguyên nhân chính xác thì rất khó, theo bà Lan. Ví dụ, người sản xuất có thể đã chế biến kỹ nhưng vấn đề phát sinh trong quá trình bảo quản, quá hạn dùng hoặc sản phẩm bị chảy nhớt trong điều kiện kỵ khí, rơi xuống đất cát.
“Chúng ta không thể biết được, tất cả chỉ là dự đoán”, bà Lan nói, thêm rằng kể cả các bệnh nhân có điểm chung là ăn giò lụa nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân ngộ độc từ giò lụa.
Cho rằng bị nhiễm độc botulinum có thể do “hên xui”, phụ thuộc vào từng cá nhân và tình huống, các chuyên gia khuyến cáo người dân cẩn trọng trong ăn uống, chế biến thực phẩm.
Giữ môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám khi chế biến thực phẩm tươi sống. Không đóng kín thức ăn nếu không có kiến thức và kỹ thuật tốt. Biện pháp khác là tạo độ chua hay độ mặn trên 5%, 5 g muối/100 g thức ăn để vi khuẩn không có môi trường phát triển.
Khi sử dụng thức ăn, cần xem kỹ hạn dùng. Đặc tính của các loại vi khuẩn gây nhiễm độc, trong đó có botulinum, là sinh ra khí và làm móp méo đồ ăn. Do đó, nếu nhận thấy thực phẩm không còn mùi vị tự nhiên, vỏ đựng phồng, biến dạng thì không nên ăn dù vẫn còn hạn sử dụng. Mọi thức ăn nên nấu ở 100 độ C trong vòng 10 đến 15 phút để diệt vi khuẩn, hạn chế ngộ độc.
Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 5 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum sau ăn giò lụa bán dạo và một người sau ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện, một em xuất viện. Ba bệnh nhân còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước hết thuốc giải độc. Tổ chức Y tế Thế giới chuyển 6 lọ thuốc từ Thụy Sĩ về điều trị, tuy nhiên, một bệnh nhân (người ăn mắm) qua đời trước khi được truyền thuốc, hai người kia cũng không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian “vàng”.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí – loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Mỹ Ý