STO – Sáng ngày 26/5, tại Tỉnh ủy Sóc Trăng, đồng chí Dương Sà Kha – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân dận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến nghiên cứu thực tiễn về dân tộc, tôn giáo tại tỉnh Sóc Trăng. Đoàn công tác do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền – Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn. Cùng tiếp đoàn có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Thông tin đến đoàn công tác về tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phan Văn Sáu – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Sóc Trăng là mái nhà chung của cộng đồng 3 tộc (chủ yếu Kinh – Khmer – Hoa), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30%, dân tộc Hoa chiếm trên 5% dân số, tạo nên cuộc sống xã hội hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Toàn tỉnh có 64 tổ chức tôn giáo, 2 cơ sở đào tạo tôn giáo, 301 cơ sở tôn giáo, 382 cơ sở tín ngưỡng, 70 cơ sở khác; có 390 chức sắc, 667 chức việc, trên 2.000 nhà tu hành, trên 600.000 tín đồ.
Đồng bào dân tộc thiểu số đa số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Điển hình là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh đã tập trung triển khai công trình cầu, đường, trường, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền – Viện trưởng Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đảm bảo ổn định và đúng pháp luật. Đồng bào các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tham gia thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban ngành đã thông tin thêm một số nội dung do thành viên đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đặt ra như: phát triển tiềm năng du lịch văn hóa tín ngưỡng của Phật giáo Nam tông Khmer; thực tiễn quản lý nhà nước đối với tôn giáo, dân tộc; công tác dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; vai trò tổ chức tôn giáo trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương…
Đồng chí Đỗ Lan Hiền ghi nhận tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh trong tôn giáo. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội nâng cao đời sống vùng đồng bào tôn giáo. Đồng chí Đỗ Lan Hiền cho biết, qua những thông tin về tôn giáo, tín ngưỡng được nắm bắt tại tỉnh Sóc Trăng sẽ phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ đến nghiên cứu thực tế về công tác dân tộc, tôn giáo tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
PHƯỚC LIÊU