Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận bức tranh kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ vẫn sẽ ảm đạm khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống công chức, người lao động rất khó khăn; đà thất nghiệp gia tăng; lương hưu không bảo đảm mức sống…
Sáng 25-5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận bức tranh kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ vẫn sẽ ảm đạm khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống công chức, người lao động rất khó khăn; đà thất nghiệp gia tăng; lương hưu không bảo đảm mức sống…
Cải cách tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân
Đồng tình với việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ trăn trở khi thực tế hiện nay, nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương chỉ từ 2,5 – 3 triệu đồng là không đủ sống.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần bổ sung trong quá trình cải cách tiền lương phải đặt yêu cầu xác định tiền lương tối thiểu, bảo đảm mức sống tối thiểu.
“Nếu cải cách tiền lương mà không đặt yêu cầu đó thì sau đó công chức, người lao động rất khó khăn. Phải tính một người đi làm bây giờ phải nuôi được một người nữa như con hoặc cha mẹ mình,” đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần bổ sung trong quá trình cải cách tiền lương phải đặt yêu cầu xác định tiền lương tối thiểu, bảo đảm mức sống tối thiểu. |
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh cải cách tiền lương là một trong những nhóm giải pháp cần sớm triển khai. Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình chỉ dựa vào ngân sách hoặc in thêm tiền để tăng lương do sẽ mất cân đối nền kinh tế và tiếp tay cho bộ máy quan liêu.
Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị cải cách tiền lương phải bằng cách tinh giản biên chế. “Dù giữ nguyên tổng số tiền được hưởng nhưng khi giảm số người được hưởng thì thu nhập cán bộ, công chức sẽ tăng lên. Như ngày trước, một tỷ chia cho 10 người thì tinh giản biên chế giảm xuống còn 5 người, tự khắc tiền lương tăng lên gấp đôi”, đại biểu dẫn chứng.
Đà thất nghiệp sẽ gia tăng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, hơn 3 năm qua, thế giới trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi, bất định bởi dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng y tế, kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Năm 2022 được kỳ vọng sự phục hồi mạnh của thế giới nhưng từ ngày 24-2, xung đột quân sự Nga – Ukraine dẫn đến tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế – xã hội, dẫn tới khủng khoảng năng lượng, lương thực… hiện chưa có dấu hiệu kết thúc, diễn biến phức tạp.
Năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn, một số nước vào suy thoái, đặc biệt kinh tế các nước có độ mở lớn bị tác động nặng hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 10 lần tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát – điều này làm biến động, rung lắc thị trường ngoại hối, giá trị đồng USD tăng mạnh; dòng chảy tiền tệ, vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Nước nào xuất khẩu nhiều sẽ bị ảnh hưởng,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế chung những tháng đầu năm chỉ đạt 3,32%; nếu tiếp tục đà này, thất nghiệp sẽ gia tăng. Bức tranh thương mại thế giới tác động tới trong nước như xuất khẩu đã bị suy giảm. Nhiều doanh nghiệp bị cắt đơn hàng, tác động an sinh xã hội và người lao động…
Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải tập trung có giải pháp cấp bách và lâu dài để bảo đảm kinh tế phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ ngày 25-5. Ảnh: Tuấn Huy |
Bày tỏ lo ngại những chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, nguồn vốn đưa vào nền kinh tế còn khá chậm, nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết những vấn đề này nêu ra nhiều lần, nhiều kỳ Quốc hội nhưng vẫn tồn tại, do vậy phải làm rõ điểm nghẽn nằm ở khâu nào, do cơ chế hay con người thực hiện?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) liệt kê hàng loạt các nguyên nhân tác động đến nền kinh tế như chất lượng thể chế pháp luật kém, không ổn định; chất lượng cán bộ yếu kém; tiến độ giải ngân đầu tư công thấp.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất Chính phủ cần có giải pháp, chương trình ngắn hạn để đối phó với suy thoái. Đó là các chính sách về tài khóa và tiền tệ với kịch bản phải linh hoạt, trong đó giảm thuế VAT; điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư; cải cách thể chế; chỉnh đốn đội ngũ người đứng đầu hệ thống chính trị nhà nước; tăng lương, tinh giảm biên chế…
THẢO NGUYÊN