Ảnh minh họa.
Rất nhiều người bệnh ở Kiên Giang phản ánh, sau khi đến các bệnh viện công khám bệnh, người bệnh phải tự cầm toa thuốc ra các nhà thuốc tư nhân để mua thuốc vì bệnh viện không có thuốc. Trong khi đó, theo quy định người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Nhà nước thanh toán những loại thuốc này thông qua việc cấp phát tại các bệnh viện.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các bệnh viện công là tình trạng diễn ra tại Kiên Giang trong thời gian dài. Việc này không chỉ có người bệnh bức xúc mà lãnh đạo và đội ngũ thầy thuốc tại các bệnh viện công cũng không hài lòng. Trả lời với báo chí mới đây, giám đốc một bệnh viện lớn tại Kiên Giang thừa nhận bệnh viện đang thiếu hụt trầm trọng vật tư, hóa chất, sinh phẩm để xét nghiệm, điều trị, cấp cứu bệnh nhân.
Tình trạng trầm trọng đến mức bệnh viện này phải tham khảo kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác. Trong trường hợp cần các chỉ định trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện này buộc phải chuyển tuyến hoặc giải thích, động viên, tư vấn bệnh nhân đi xét nghiệm ở bên ngoài.
Trả lời báo chí mới đây, một lãnh đạo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho rằng có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công nhưng chỉ “cục bộ”.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết danh mục mua sắm và thanh toán bảo hiểm y tế dựa vào phân tuyến kỹ thuật, phân hạng bệnh viện, mô hình bệnh tật và khả năng triển khai kỹ thuật của đơn vị. “Không thể đòi hỏi cơ sở y tế tuyến xã có đầy đủ thuốc và vật tư y tế như tuyến huyện và danh mục thuốc, vật tư y tế tuyến huyện đầy đủ như tuyến tỉnh”, vị này nói. Ngoài ra, quy trình tổ chức mua sắm phức tạp, kéo dài, qua nhiều công đoạn, trong khi văn bản quy định việc đấu thầu nhiều, hay thay đổi…
Còn nhớ tại phiên chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang tại Kỳ họp thứ mười bốn, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 27-12-2022, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận rằng tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế cục bộ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và không tránh khỏi. Vị này cho rằng, việc này không chỉ tồn tại ở Kiên Giang mà ở tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước, từ bệnh viện tuyến Trung ương đến trạm y tế xã và ngay cả những nước tiên tiến nhất như Anh, Pháp… vẫn có.
Trong khi giám đốc một bệnh viện công trong tỉnh Kiên Giang cho rằng nguyên nhân bệnh viện thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm là do bệnh viện không có quyền tự quyết định mua sắm. Bệnh viện muốn mua sắm gì phải trình xin chủ trương, nhưng thời gian chờ duyệt chủ trương rất lâu.
Vị này đề xuất chuyện mua sắm lặt vặt như vật tư, hóa chất, sinh phẩm cần dùng hàng ngày tại bệnh viện nên để bệnh viện tự quyết. Nếu có quyền tự quyết thì bệnh viện mua được ngay, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế như hiện tại sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong khi đó, quy trình mua sắm, đấu thầu thuốc và vật tư y tế vẫn thực hiện theo quy củ. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết đã tiếp nhận 4 gói thầu thuốc, vật tư y tế, trong đó 1 gói thầu đã trình UBND tỉnh Kiên Giang đang chờ phê duyệt, còn 3 gói thầu đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị trình UBND tỉnh.
Theo cách nói “chờ” và “chuẩn bị”, trong khi quy trình mua sắm nhiều công đoạn, các văn bản hay sửa đổi thì chưa rõ thời gian khi nào thuốc và vật tư y tế mới về đến bệnh viện.
Thuốc, vật tư y tế chưa về đến bệnh viện thì người bệnh tiếp tục bị thiệt thòi, các bệnh viện công tiếp tục không đủ điều kiện điều trị cho người bệnh. Trong khi lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho rằng “Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức mua sắm thuốc theo đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế…”.
Vậy tình trạng các bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, lỗi do đâu và trách nhiệm thuộc về ai?
ĐỨC BÌNH