YênBái – Với sự hỗ trợ đắc lực về công nghệ, Chi nhánh Công ty cổ phần Netma tại Yên Bái (xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình) đã tiếp nhận và hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ biến phụ phẩm sau chế biến gỗ trở thành viên nén sinh học – nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo, phục vụ dân dụng, công nghiệp và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Hiện nay, việc xử lý nguồn gỗ phế liệu từ quá trình sản xuất gỗ đang là vấn đề được quan tâm, bởi ngoài việc tận dụng làm củi đốt thì đa số các cơ sở chế biến gỗ hiện nay đều chỉ xây lò đốt gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng viên nén sinh học làm chất đốt lò hơi, sưởi ấm trên thế giới đang ngày càng gia tăng, nhất là tại các quốc gia có khí hậu lạnh.
Nắm bắt nhu cầu đó, từ năm 2018, Chi nhánh Công ty cổ phần Netma Yên Bái đã đầu tư dây chuyền sản xuất viên nén gỗ; tuy nhiên, lại gặp nhiều khó khăn về công nghệ, máy móc, thiết bị, nhân lực nên sản phẩm còn hạn chế về chất lượng dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, khó cạnh tranh được với thị trường trong nước và không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Để tháo gỡ, Chi nhánh Công ty tại Yên Bái đã xây dựng Dự án “Ứng dụng khoa học, công nghệ xây dựng mô hình sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm sau chế biến gỗ làm nhiên liệu đốt cho dân dụng, công nghiệp và phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Yên Bái” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025” triển khai từ tháng 3/2021 đến tháng 2/2023.
Theo đó, Dự án đã xây dựng thành công một mô hình sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm sau chế biến gỗ có công suất đạt trên 39.000 tấn sản phẩm/năm hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đáp ứng nhu cầu của Công ty về chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất hiệu quả, Dự án còn tập trung vào xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ sản xuất viên nén trong thực tế sản xuất từ việc lựa chọn, phân loại và xử lý nguyên liệu bằng cách băm, nghiền thô, sấy, nghiền tinh tạo kích thước nguyên liệu, ép tạo viên nén cho đến kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Trong đó, tập trung vào công đoạn sấy, kiểm soát độ ẩm của nguyên liệu dao động từ 6 đến 10%. Dự án cũng đã chuyển giao máy sấy có hệ thống điều khiển giám sát chế độ sấy tự động, có công suất lớn khoảng 8 tấn/giờ, đảm bảo được độ sấy đồng đều giữa các lớp nguyên liệu và khắc phục được hiện tượng khói bụi ra ngoài môi trường mà các máy sấy hiện nay chưa khắc phục được.
Bên cạnh đó, 5 kỹ thuật viên cơ sở đã được đào tạo nắm vững và hoàn toàn làm chủ công nghệ; 50 lượt công nhân, người lao động sau khi tham gia các khóa tập huấn đã thao tác thành thục công việc được giao cũng như nâng cao kiến thức kiểm định chất lượng sản phẩm sau từng công đoạn.
Nhờ đó, sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật như: độ ẩm <8%, hàm lượng tro <2,97%, nhiệt lượng khoảng 4.000 Kcal/kg…; tỷ lệ thu hồi viên nén được đảm bảo cao nhất. Sản phẩm đã được tiêu thụ trong nước và gián tiếp xuất khẩu qua các công ty lớn sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Văn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Netma cho biết: “Hệ thống dây chuyền sản xuất viên nén sinh học hiện đang hoạt động với nguồn nhiên liệu chính là phế phẩm sau chế biến gỗ được thu mua từ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Với sự khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương, Nhà máy đang sản xuất đều đặn từ 140 – 150 tấn/ngày, giá trị doanh thu ước tính năm 2023 đạt trên 100 tỷ đồng”.
Năm 2025, Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Thành công của Dự án “Ứng dụng khoa học, công nghệ xây dựng mô hình sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm sau chế biến gỗ làm nhiên liệu đốt cho dân dụng, công nghiệp và phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Yên Bái” sẽ trở thành bước đi “đi trước một bước” của tỉnh Yên Bái không những tạo ra sản phẩm giá trị, đa dạng hóa nguồn nhiên liệu đốt, thúc đẩy chuỗi giá trị gia tăng ngành trồng rừng và công nghiệp chế biến lâm sản ở địa phương mà còn tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Hoài Anh