Ngày 25/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2016-2020, Đề án cơ cấu lại Vinachem giai đoạn 2021-2025, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới và Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ – Vinachem.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Vinachem đạt nhiều kết quả quan trọng, 2 năm liền được xếp hạng loại B, đặc biệt trong năm 2022, Vinachem đã rất nỗ lực, hoạt động rất hiệu quả trên tất cả các tiêu chí.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 lợi nhuận gộp của Vinachem đạt trên 6000 tỷ, các nhà máy thuộc diện yếu kém kéo dài cũng lãi trên 2000 tỷ, đây là kết quả rất tích cực. Phó Thủ tướng mong muốn tập đoàn tiếp tục nỗ lực để cơ cấu thành công trong thời gian tới, hoạt động ổn định và phát triển.
Khẳng định vai trò quan trọng của Vinachem đối với nền kinh tế và đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Vinachem tiếp thu các ý kiến của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo đề án, trong đó phải đánh giá kỹ những kết quả đạt được, làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, qua đó đề xuất các giải pháp tái cơ cấu thực sự khả thi, hiệu quả, đảm bảo đi vào cuộc sống.
Theo Phó Thủ tướng, sở dĩ việc triển khai tái cơ cấu Vinachem giai đoạn trước chưa đạt được yêu cầu là do trong quá trình xây dựng đề án chưa lường hết những biến động như: tác động của dịch bệnh COVID-19; tác động của thị trường,…
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn tới phải bảo đảm tổng thể, rõ ràng về căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, đánh giá kỹ các nguyên nhân tồn tại từ giai đoạn trước để rút kinh nghiệm, đồng thời, phải lường trước tình hình, dự đoán các biến động, đánh giá kỹ lưỡng các tình huống để sẵn sàng các giải pháp hiệu quả với từng tình huống, thời điểm, đảm bảo tổ chức thực thi hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Là Tập đoàn hóa chất của nhà nước Vinachem vừa phải đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, người dân nhất là những mặt hàng thiết yếu, vừa phải hoạt động hiệu quả, bảo tồn được vốn của nhà nước.
Đối với các kiến nghị, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem; cho rằng, đây không phải là ngành mới, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp và phù hợp với nhu cầu của thị trường…
Về bổ sung vốn điều lệ, “tinh thần là ủng hộ” nhưng phải bảo đảm đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định để tăng vốn. Theo đó, Vinachem phải tự cân đối nguồn lực để tăng vốn điều lệ để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đối với công tác sắp xếp lại doanh nghiệp, thoái vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán kỹ lộ trình, thời điểm để quyết định nắm giữ tỷ lệ hợp lý theo đúng quy định và thẩm quyền. Thoái vốn phải bảo đảm hiệu quả, không máy móc, nhất là với “những con gà đẻ trứng vàng”….
Đối với đề xuất giữ 100% vốn điều lệ Công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinacem phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện theo đúng trình tự, quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, trong thời gian chưa tiến hành cổ phần hóa thì Vinachem phải chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả sau khi có quyết định.
Liên quan đến xử lý tài chính đối với 3 dự án thua lỗ, kéo dài của Vinachem, Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện phương án với tinh thần “làm sớm ngày nào, hay ngày ấy”.
Về kiến nghị liên quan đến thuế áp dụng với phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đề xuất phương án, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tôn trọng các cam kết quốc tế và bảo vệ sản xuất trong nước.