Phát huy lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La lớn, với 10.500 ha, những năm qua, nhân dân huyện Quỳnh Nhai đã tích cực phát triển nghề nuôi cá lồng, liên kết thành các hợp tác xã thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế trong tiêu thụ.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Nhai đang duy trì 256 ha mặt nước nuôi thủy sản với hơn 4.000 lồng cá. Tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản toàn huyện đạt hơn 1.800 tấn/năm, trong đó, sản lượng thủy sản nuôi là hơn 1.200 tấn/năm. Nuôi thủy sản đã và đang đem lại nguồn sinh kế, thu nhập ổn định cho bà con vùng lòng hồ Quỳnh Nhai.
Ông Điêu Chính Hải, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Nuôi thủy sản là một trong những ngành nghề chính trong phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện. Phòng đã tham mưu cho huyện nhiều văn bản nhằm phát triển, duy trì sản lượng nuôi trồng thủy sản, tăng cường hợp tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, vận động các HTX, doanh nghiệp, bổ sung các cơ sở chế biến, đảm bảo phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.
Quỳnh Nhai triển khai các giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư, các doanh nghiệp phát triển nuôi cá lồng và du lịch thủy sản; tập trung hướng dẫn, mở lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, phòng bệnh cho thủy sản, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, giúp phát huy tốt tiềm năng của huyện vùng lòng hồ và tạo sinh kế bền vững cho bà con nhân dân trên địa bàn.
Xã Chiềng Bằng có hơn 2.600 lồng cá, chiếm hơn 60% tổng số lồng cá của toàn huyện. Duy trì 13 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Do có lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ và tiện đường giao thông đi lại, nên nghề nuôi cá lồng tại Chiềng Bằng phát triển. Mỗi HTX quy tụ từ 10 đến 30 thành viên, liên kết cùng nuôi cá lồng và gom sản phẩm về một mối để tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài huyện.
Bà Điêu Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, nói: Xã đã tăng cường tuyên truyền bà con chấp hành các nội quy về đánh bắt thủy sản an toàn theo quy định, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật chăm sóc cá, phòng bệnh cho cá nuôi. Xã đã phối hợp triển khai cho các HTX tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và nắm về luật HTX để phát triển ổn định.
HTX An Bình, xã Chiềng Bằng hiện có 18 hộ thành viên. Các hộ liên kết nuôi thủy sản tại khu vực cảng cá Chiềng Bằng. Sản phẩm chính của HTX chủ yếu là cá trắm, chép, lăng, nheo… Quy trình nuôi cá tại đây được thực hiện khá bài bản từ khâu chọn giống, thức ăn cho cá, cho đến chăm sóc, phòng bệnh và thu hoạch. Mỗi lồng cá có thể tích từ 70m3 trở lên, chu kỳ nuôi thường là từ 6-18 tháng tùy từng loại cá; cho thu hoạch khoảng 3 tạ cá, doanh thu từ 20 đến 24 triệu đồng, sau trừ chi phí, lãi khoảng 13 triệu đồng/lồng.
Anh Lò Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản An Bình, chia sẻ: HTX được thành lập từ tháng 3/2016. Hiện tại, sản lượng cá của HTX đạt 25-35 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là thành phố Sơn La và Điện Biên, ngoài ra, còn xuất bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh lân cận khác. Ngoài nuôi cá lồng, HTX hiện còn sản xuất cá tép dầu khô và phile cá lăng. Nhờ nuôi cá lồng mà các thành viên HTX có cuộc sống ổn định hơn.
Còn tại HTX Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, mặc dù có ít hộ thành viên nhưng đây là HTX có quy mô và sản lượng cá lớn top đầu của huyện. Hiện tại, HTX đang duy trì 7 thành viên tham gia nuôi và đánh bắt thủy sản. Các thành viên thường xuyên được tập huấn về chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản. Ngoài những loại cá nuôi truyền thống như: trắm, chép… HTX Hồ Quỳnh còn phát triển thêm các loại thủy sản chất lượng cao, có nhu cầu tiêu thụ lớn như: trắm đen, chép giòn… HTX luôn có kế hoạch chăm sóc, phòng bệnh để tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động liên kết với các đầu mối tiêu thụ ngoại tỉnh để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của HTX.
Ông Lâm Đức Độ, Giám đốc HTX thủy sản Hồ Quỳnh, cho biết: Sản lượng cá của HTX khoảng 100-120 tấn/năm. Sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại nguồn thu nhập từ 200 triệu đồng đến 700 triệu đồng/thành viên.
Huyện Quỳnh Nhai hiện có 25 hợp tác xã thủy sản đang hoạt động hiệu quả. Các HTX đã và đang làm tốt khâu liên kết thành viên, liên kết trong chăm sóc nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, huyện phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chất lượng hoạt động tư vấn nuôi cá lồng, tập trung hỗ trợ, định hướng phát triển mô hình HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Thanh Đào