Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi họp tổ
– Tiếp theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia buổi họp Tổ tại Tổ thảo luận số 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Tại tổ thảo luận, các ĐBQH đã tập trung thảo luận 8 nhóm vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Cuộc thảo luận tại tổ đã có 13 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến, trong đó có 5 lượt ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu. Về cơ bản, các ĐBQH trong tổ cho rằng, năm 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Các đại biểu đều bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng tháo gỡ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;…
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi họp tổ
Phát biểu tại họp tổ, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Các ĐBQH tỉnh cũng tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến việc đưa cửa khẩu số vào hoạt động chính thức, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên hệ thống một cửa quốc gia; hoạt động quản lý Nhà nước đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; việc thực hiện các quy định trong Luật Thanh tra; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá tình hình và hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp; chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đánh giá việc giảm thuế giá trị gia tăng… Đồng thời, đề xuất một số giải pháp như: tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút đầu tư và có giải pháp để chung tay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; nghiên cứu cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý tài sản công; xây dựng cơ chế thúc đẩy đào tạo, kỹ năng nghề cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng để phát triển sản xuất…
Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH tiếp tục nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Cụ thể, đại biểu đề nghị quy định giảm số lượng tối thiểu hợp tác xã (HTX) tham gia thành lập Liên hiệp HTX xuống ít nhất còn 2 HTX và đề nghị chỉnh sửa quy định tổ chức Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ; rà soát lại những điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật; quy định thời gian gửi nội dung kiến nghị đến người triệu tập họp Đại hội thành viên; quy định hình thức bầu các chức danh do Đại hội hoặc Hội đồng quản trị bầu để thống nhất thực hiện; bổ sung một khoản trong Điều 23 về chính sách tiếp cận vốn mạo hiểm, có nội dung chương trình tín dụng cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo hình thức tín chấp hoặc bảo lãnh tín dụng.