Chiều 25.5, bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi N.V.H (14 tuổi) hiện đã có thể tự ăn uống, đi lại được, tỉnh táo, dự kiến xuất viện trong 1, 2 ngày tới.
Trước đó ngày 14.5, em được đưa vào nhập viện khoa cấp cứu, trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng, chóng mặt, yếu chi. Qua các kiểm tra, xét nghiệm, em H. được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum từ thức ăn. Ngày 15.5, em được truyền 1/2 lọ thuốc giải độc BAT.
Vụ 3 anh em ngộ độc botulinum: Một bệnh nhi sắp xuất viện
Cũng theo bác sĩ Phú, 2 trường hợp còn lại là bé N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) đang được thở máy, sức cơ có cải thiện.
Trước đó sáng 13.5, 3 anh em cùng dì ăn chả lụa không rõ nguồn gốc, mô tả chả lụa bị hỏng nhưng vẫn ăn hết. Đến chiều cùng ngày, 4 người đều chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng.
Đến 24 giờ sau ăn thì N.V.Đ bắt đầu đi loạng choạng, giật cơ mặt và cơ ngón tay, yếu chi tăng dần. Tại khoa Cấp cứu, em Đ. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thức ăn; Hội chẩn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum toxin biến chứng suy hô hấp. Em Đ. được truyền tĩnh mạch 1 lọ huyết thanh kháng độc tố BAT mang từ Quảng Nam vào.
Còn N.T.X nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng, yếu 2 chi dưới trong tình trạng tri giác tỉnh, tiếp xúc tốt, sụp mi mắt nhẹ, sức cơ 2 chi trên 5/5, sức cơ 2 chi dưới 3/5. Em X. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum toxin từ thức ăn. Em được thở oxy, truyền dịch, truyền tĩnh mạch 1/2 lọ huyết thanh kháng độc tố BAT.
“Hiện bệnh viện tiếp nhận 3 lọ thuốc giải độc BAT, tuy nhiên việc có tiếp tục sử dụng thuốc cho các bệnh nhân hay không phải chờ ý kiến chuyên môn hội chẩn”, bác sĩ Phú cho biết.
Xem nhanh 20h ngày 25.5: Biện pháp phòng ngộ độc botulinum | Bí ẩn ngôi làng trường thọ xứ Huế