Ngày 24/5, Nhóm Đại sứ châu Phi tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.
Các đại biểu tại Hội thảo “Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” ngày 24/5 tại Hà Nội. (Nguồn: BTC) |
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày châu Phi (25/5), đồng thời thể hiện chủ đề của Liên minh châu Phi (AU) cho năm 2023 là “Năm của AfCFTA: Tăng tốc thực hiện tự do thương mại lục địa châu Phi”.
Hội thảo có sự tham dự của các Đại sứ châu Phi tại Việt Nam, quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam, châu Phi và quốc tế…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện AfCFTA, các quy định, điều khoản, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện AfCFTA, cũng như phân tích và đánh giá cơ hội và thách thức hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi khi AfCFTA hoàn thành, để từ đó tìm ra phương thức tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa các bên.
Khi đi vào hoạt động đầy đủ, AfCFTA sẽ là khu vực tự do thương mại lớn trên thế giới, với thị trường gồm 1,3 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 3.400 tỷ USD.
Việc thực hiện AfCFTA sẽ giúp châu Phi hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia châu Phi.
Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, AfCFTA có thể sẽ giúp FDI của châu Phi tăng từ 111%-159% bởi thu hút đầu tư xuyên biên giới nhờ miễn thuế quan và hàng rào phi thuế quan, thay thế các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương bằng một hiệp định duy nhất và thống nhất.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 ở Addis Ababa, Ethiopian vào tháng 1/2012, các nhà lãnh đạo châu Phi đã ra quyết định thành lập Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA). Sau hơn 7 năm chuẩn bị, đến tháng 5/2019, Hiệp định AfCFTA bắt đầu có hiệu lực với sự phê chuẩn của 22 quốc gia châu Phi đầu tiên. Tính đến nay, đã có 46 quốc gia châu Phi chính thức phê chuẩn Hiệp định AfCFTA. |
AfCFTA có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với mức thu nhập cao hơn, đặc biệt cơ hội việc làm cho phụ nữ được cải thiện đáng kể.
Đến năm 2035, nhờ AfCFTA, lương của phụ nữ châu Phi sẽ tăng 11,2% và lương của nam giới sẽ tăng 9,8%. AfCFTA sẽ giúp châu Phi hội nhập sâu rộng hơn, xuất khẩu của châu Phi ra thế giới sẽ tăng 32% và xuất khẩu nội khối châu Phi sẽ tăng 109%.
Điều đó đồng nghĩa với thu nhập thực tế có thể đạt 9%, và đến năm 2035, 50 triệu người dân châu Phi sẽ có cơ hội thoát nghèo cùng cực.
Hơn thế nữa, AfCFTA không chỉ giúp các quốc gia châu Phi thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, mà còn thực hiện được Chương trình Nghị sự châu Phi 2063 của Liên minh châu Phi (AU).
Việt Nam và các quốc gia châu Phi có mối quan hệ truyền thống hữu nghị, luôn ủng hộ lẫn nhau từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Mặc dù dịch Covid-19 khiến kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các khu vực khác có sự giảm sút song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang châu Phi gồm hàng công nghiệp, nông sản (lương thực, cà phê, chè, hồ tiêu, thủy sản) và sản phẩm chế biến.… Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi những mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thô (bông, hạt điều, gỗ…). Do hàng hóa của hai bên có tính bổ sung nên khi AfCFTA được khiển khai sẽ là cơ hội để những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường châu Phi và ngược lại.
Các đại biểu cho rằng Việt Nam cần xác định phương thức hợp tác mới với châu Phi vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của cả hai bên. (Nguồn: BTC) |
Trong vòng hơn một thập kỷ qua, trao đổi thương mại Việt Nam-châu Phi đã tăng hơn gấp đôi, từ mức mới chỉ đạt 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022. Với sự ra đời của AfCFTA, giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi sẽ tăng đáng kể.
Ngoài ra, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại châu Phi cũng được tạo điều kiện nhờ AfCFTA, cụ thể như giảm thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà AfCFTA mang lại thì cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam. Đơn cử như Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia khác khi thâm nhập vào thị trường châu Phi. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế mới, đặc biệt khi AfCFTA được hoàn thành, Việt Nam cần tìm cách tiếp cận hợp tác mới với châu Phi để các bên phát triển bền vững và thịnh vượng.