Sáng 25/5, Ban Chỉ đạo Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ tổng thể của dự án, định hướng một số hoạt động trọng tâm năm 2023. Đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án CSSP chủ trì.
Dự án CSSP được triển khai từ năm 2017 đến nay với tổng ngân sách 36,27 triệu UDS, trong đó, vốn ODA của IFAD 21,25 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 8,882 triệu USD, phần vốn đối ứng của người hưởng lợi 6,138 triệu USD. Dự án được triển khai trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An. Đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn có đất và sức lao động, bao gồm cả các hộ kinh doanh có việc làm tay nghề thấp, thiếu đất sản xuất song có khả năng và mong muốn làm ăn; nông dân điển hình có những kỹ năng cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh liên quan đến các hoạt động trong phát triển chuỗi giá trị có tiềm năng, thế mạnh tại tỉnh. Đến nay, dự án đã giải ngân 625,4 tỷ đồng, đạt 76,9% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, trong đó, nguồn vốn vay IEAD 385,3 tỷ đồng, đạt 80,95%; nguồn vốn đối ứng của Chính phủ 86,774 tỷ đồng, đạt 77,45%. Từ đầu năm đến ngày 19/5/2023 giải ngân 5,92 tỷ đồng, đạt 9,81% kế hoạch.
Theo khung logic của dự án, mục tiêu tiếp cận cần đạt với số người nhận được các dịch vụ xúc tiến hoặc hỗ trợ từ dự án là 25.000 người, tổng số hưởng lợi 12.500 hộ, tổng số thành viên trong hộ tương ứng với 56.250 thành viên. Đến ngày 19/5/2023, dự án đạt lần lượt với số người nhận hỗ trợ từ dự án 23.013 người, số hộ hưởng lợi 12.683 hộ, số thành viên trong hộ 57.072 thành viên.
Toàn tỉnh thành lập và củng cố duy trì hoạt động 718/800 nhóm đồng sở thích (CIG), đạt 89,75% với 8.873 người dân tham gia, trong đó, thành viên nữ chiếm 64%; hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 66%; 643/718 nhóm được dự án tài trợ thông qua Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh (CSA) với tổng kinh phí 43,5 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số tiền quỹ nhóm do người dân quản lý và vận hành cho vay sản xuất theo các chuỗi giá trị 60,2 tỷ đồng, trong đó, dự án tài trợ 43,5 tỷ đồng, người dân đóng góp 14,5 tỷ đồng, tiền lãi do người dân cho vay quay vòng đạt 2,2 tỷ đồng. Các nhóm đồng sở thích hoạt động theo các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương như chăn nuôi lợn, trâu, bò, trồng thạch, lạc, gừng, trúc. Duy trì thành lập 294 nhóm tiết kiện tín dụng, có 6 đơn vị được phê duyệt tài trợ từ Quỹ APIF với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng, 3 đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt. Dự án thực hiện đầu tư 153 công trình hạ tầng cơ sở, đến nay bàn giao đưa vào sử dụng 143 công trình, chiếm 92,8%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: các đơn vị xin tài trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều là những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ, năng lực quản lý yếu nên hoạt động dẫn dắt thị trường và liên kết sản xuất chưa thật sự nổi bật, duy trì liên kết và cạnh tranh với các thương lái tự do còn hạn chế; một số công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư không gửi hồ sơ hoàn thành và hồ sơ thanh toán, hồ sơ giải ngân hoạt động dự án các đơn vị cấp huyện, xã gửi về tỉnh chưa đầy đủ nên dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm…
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về lộ trình, kế hoạch thực hiện chiến lược kết thúc Dự án CSSP, lộ trình giảm nhân sự và chuẩn bị cho giai đoạn hoàn thành dự án, thống nhất các giải pháp phù hợp, đảm bảo tính bền vững và các kết quả của dự án; xác định các nút thắt và các vấn đề ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, “các hoạt động mềm” không được phép triển khai sau ngày 30/9/2023 và xin ý kiến của UBND tỉnh về việc bố trí vốn đối ứng của tỉnh cho “các hoạt động mềm”. Xem xét điều chỉnh kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2023; thống nhất các bước và giải pháp nhằm thể chế hóa các phương pháp tiếp cận, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong lộ trình bàn giao các nhóm CIG, thể chế hóa SIP, VCAP để tiếp tục nhân rộng; xác định phương hướng giải quyết, quyết toán các dự án hoàn thành; xem xét thành lập ban chuẩn bị, tổ chuyên viên giúp việc Dự án KOICA và Dự án IFAD giai đoạn 3…
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy đề nghị Ban điều phối Dự án tiếp thu ý kiến thảo luận tại hội nghị để bổ sung vào dự thảo kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2023 phù hợp với ngân sách được giao. Phối hợp với các bên liên quan đề xuất ngân sách bổ sung năm 2023 để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả các nội dung công việc; rà soát các công trình, dự án bổ sung vào kế hoạch điều chỉnh để thực hiện, trong đó ưu tiên những đơn vị, các xã đang thực hiện tốt.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện chỉ đạo các xã vùng dự án khẩn trương triển khai các kế hoạch được phê duyệt; Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban điều phối rà soát phân bổ số tiền thực hiện hoàn thành nội dung đối ứng đối với ngân sách. Ban Quản lý dự án phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh dự án đảm bảo theo quy trình hiện hành; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch thực hiện theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược kết thúc Dự án CSSP. Ban điều phối chủ động thực hiện lộ trình kết thúc dự án tại các đơn vị. UBND các huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán các công trình theo quy định; khẩn trương xây dựng Quy chế hoạt động Quỹ CSA…
K.T