Năm 2021, một thành phố khai thác than đá ở vùng đông bắc hẻo lánh của Trung Quốc buộc phải trải qua tình trạng tái cấu trúc ngân sách chưa từng có. Sự chật vật của thành phố này là dấu hiệu đáng quan ngại cho chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình do hiện có những đô thị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và đối mặt nguy cơ vỡ nợ tiếp theo.
Phần nổi của tảng băng trôi
Hạc Cương, thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang chưa đến 1 triệu dân gần biên giới với Nga, đã mắc khoản nợ cao hơn gấp đôi thu nhập tài khóa vào thời điểm vỡ nợ cách đây 18 tháng. Giờ đây, người dân thành phố đang lâm vào cảnh thắt lưng buộc bụng.
Theo Hãng tin Bloomberg, một số dân địa phương than phiền phải trải qua mùa đông khắc nghiệt trong tình trạng lạnh cóng vì thiếu khí đốt để sưởi ấm. Các giáo viên trường công lập lo lắng có thể bị giảm biên chế, còn những người quét đường cho hay bị chậm trả lương đến 2 tháng.
Theo Bloomberg, Hạc Cương đại diện cho phần nổi của tảng băng trôi về vấn đề nợ nần của chính quyền cấp địa phương ở Trung Quốc. Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư ngày càng bất an và đe dọa có thể trở thành lực cản cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong những năm tới.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ ước tính tổng nợ công của Trung Quốc hiện vào khoảng 23.000 tỉ USD, một con số bao gồm những khoản vay khó tất toán của hàng ngàn công ty tài chính do các chính quyền tỉnh và thành phố thành lập.
Trong khi nguy cơ vỡ nợ cấp thành phố ở quốc gia Đông Á khá thấp nhờ vào sự bảo trợ vững vàng của chính quyền trung ương, nỗi lo lớn hơn là các chính quyền địa phương có thể buộc phải thắt chặt chi tiêu, hoặc cắt giảm ngân sách lẽ ra phải rót vào các dự án nhằm kích thích tăng trưởng và chuyển sang trả nợ.
Nguy cơ lan rộng
“Vài năm nữa, nhiều thành phố Trung Quốc sẽ trở thành Hạc Cương thứ hai, thứ ba”, Bloomberg dẫn lời ông Song Houze, nhà kinh tế của tổ chức nghiên cứu chính sách MacroPolo (Illionois, Mỹ). Ông House lưu ý dân số Trung Quốc già đi và giảm dần có nghĩa là nhiều thành phố thiếu nguồn nhân lực cần thiết để duy trì sự tăng trưởng kinh tế ở mức độ nhanh và giữ được nguồn thuế thu nhập hiệu quả.
“Chính quyền trung ương có thể duy trì sự ổn định trong thời gian ngắn bằng cách yêu cầu hệ thống ngân hàng tái tục các khoản vay của các chính quyền địa phương”, ông Song cho biết. Thế nhưng, nếu không gia hạn các khoản vay, hơn 2/3 số địa phương sẽ không thể trả nợ đúng hạn, chuyên gia Mỹ phân tích.
Ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi thành phố Hạc Cương trực thuộc, các nhà đầu trái phiếu bắt đầu tỏ ra cảnh giác với những rủi ro đến từ các khoản nợ nần của chính quyền địa phương. Phương án tái cấu trúc ngân sách có thể thực hiện trong trường hợp nếu các khoản chi trả lãi suất của trái phiếu thành phố vượt quá 10% chi tiêu; hoặc khi lãnh đạo địa phương cảm thấy cần thiết.
Công ty chứng khoán Yuekai Securities (trụ sở Quảng Đông, Trung Quốc) ước tính có đến 17 thành phố có khoản trả lãi trái phiếu cao hơn 7% so với chi tiêu ngân sách vào năm 2020, tức gần đến ngưỡng 10%. Những đô thị này chủ yếu tập trung ở các tỉnh nghèo hơn của Trung Quốc như Liêu Ninh ở đông bắc và Nội Mông ở phía bắc.
Vấn đề cũng đang tồn tại ở những thành phố nằm ngoài nhóm này. Thành phố Thương Khâu thuộc tỉnh Hà Nam với 7,7 triệu dân gần đây đã xuất hiện trong các bản tin ở Trung Quốc sau khi suýt nữa ngừng cung cấp dịch vụ xe buýt, theo báo The Nikkei.
Ở thành phố Vũ Hán và Quảng Châu, những đề xuất cắt giảm phúc lợi y tế của người về hưu đã dẫn đến những cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố vào năm 2023, theo South China Morning Post đưa tin hồi tháng 2. Công chức ở những đô thị giàu có như Thượng Hải cũng bị cắt lương. Tại tỉnh Quý Châu, giới chức địa phương đã cầu cứu chính quyền Bắc Kinh hãy giải ngân gói cứu trợ tài chính.
Trong những năm qua, Bắc Kinh thúc giục các chính quyền địa phương phải tiến hành việc cắt giảm các nguy cơ nợ công, đặc biệt là những khoản “nợ ẩn” xuất phát từ các công ty tài chính do địa phương thành lập nhưng không thể hiện trên bản cân đối kế toán chính thức.
Giáo sư khoa học chính trị Jean Oi của Đại học Stanford (Mỹ) nhận định vấn đề nợ nần ở cấp chính quyền địa phương đang lan rộng trên khắp Trung Quốc. “Trong khi những khu vực duyên hải giàu có sẽ có nhiều cơ hội để trả nợ và có nguồn lực để dựa vào, các vùng ít phát triển hơn như Hạc Cương khó có thể xoay xở và bị hạn chế về những điều mà họ có thể làm được”, bà Oi nhận xét.