Sáng 25/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình đối với 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thủy điện, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính. Chủ trì phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đang công tác tại các cơ quan tỉnh; lãnh đạo các ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu Thường trực HĐND các huyện, Thành phố.
Tại phiên họp, lãnh đạo các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và đại diện một số đơn vị liên quan đã giải trình các nội dung, vấn đề đại biểu quan tâm. Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thủy điện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 nhà máy thủy điện hoàn thành, đang khai thác, tổng công suất lắp máy trên 223,1MW, sản lượng điện năng theo thiết kế trên 853 triệu kWh/năm, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân việc Nhà máy thủy điện Bình Long, xã Hồng Việt (Hòa An) tích nước, vận hành ảnh hưởng đến dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu, gây thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân; hoạt động của Nhà máy thủy điện Bạch Đằng và Bình Long ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của Sông Hiến, Sông Bằng; việc tích hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Bản Rạ, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) làm cạn kiệt dòng chảy thác Bản Giốc, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và hình ảnh của tỉnh.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến hết ngày 31/1/2023, tỉnh giải ngân được trên 2.803 tỷ đồng, đạt 64,9% kế hoạch; kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.082 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm giải ngân mới đạt 9,8% kế hoạch. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình làm rõ những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả giải ngân thấp; đưa ra một số giải pháp để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bao gồm giải ngân vốn kéo dài năm 2022.
Báo cáo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Cao Bằng đạt 59,58 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành, là năm thứ 2 xếp cuối bảng. Ngoài những nguyên nhân khách quan, đại diện các cơ quan chuyên môn đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh ở một số đơn vị chậm, thiếu quyết liệt; công tác cải cách hành chính chưa tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong chính quyền chưa được đầu tư tương xứng; việc hỗ trợ doanh nghiệp sau cấp phép đầu tư, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn ít…
Các đại biểu thẳng thắn thảo luận, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, hạn chế, yếu kém cũng như khó khăn, vương mắc xoay quanh các nhóm nội dung trên. Đối với vấn đề thủy điện, nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, đồng thời tham mưu các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng đối với các nhà máy thủy điện, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nhằm phát huy hiệu quả nhà máy thủy điện vừa đảm bảo an sinh cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ vận hành các nhà máy thủy điện.
Cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực chất công tác cải cách hành chính tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; có những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, kế hoạch cụ thể triển khai hiệu quả các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS… cho toàn tỉnh; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Các đai biểu đưa ra nhiều ý kiến bàn luận về các giải pháp đẩy mạnh hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành mục tiêu phát triển KT – XH của tỉnh. Tập trung vào việc rà soát, lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đầu tư ở các ngành, lĩnh vực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư trong quá trình thi công, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ; chủ động lập hồ sơ đối với các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để sớm triển khai khi dự án được phê duyệt và giao vốn; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án…
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu tiếp thu, làm rõ thêm một số nội dung xoay quanh các nhóm vấn đề đại biểu quan tâm. Cam kết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, nâng cao công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời thuộc các lĩnh vực thủy điện, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng khẳng định, phiên giải trình đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn; nội dung giải trình tập trung vào những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng các nội dung về chất lượng, an toàn công trình, các yêu cầu về đất đai, môi trường, tài nguyên nước; đôn đốc chủ đầu tư, nhà máy thủy điện lắp đặt các thiết bị giám sát theo quy định, kiên quyết xử lý vi phạm. Tiếp tục rà soát toàn bộ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, sớm tích hợp quy hoạch thủy điện vào quy hoạch tỉnh, kiến nghị dừng đầu tư, loại ra khỏi quy hoạch đối với những dự án được đánh giá không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống dân cư, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng tài nguyên nước hợp lý.
Lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, đề nghị tập trung đẩy nhanh giải ngân đối với Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), nhóm các chương trình mục tiêu quốc gia, nhóm chương trình phục hồi và phát triển KT – XH đã được phê duyệt và giao vốn. Tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân tích rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn các dự án. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc thuộc nguyên nhân chủ quan của tỉnh, ngành, địa phương.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chương trình cải cách nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 và Kế hoạch số 2439/KH-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương; có những giải pháp đột phá thúc đẩy các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra các công việc có liên quan cải cách hành chính.
T.L