Theo cổng TTĐT Bộ Công an đăng tải, mới đây, bộ này nhận được câu hỏi của một người dân về việc hành vi sử dụng biển số xe ô tô giả khi tham gia giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?
“Thời gian gần đây, tôi thấy ngày càng nhiều vụ giả biển số, che biển, thậm chí còn giả mạo màu sắc, thông tin đăng kiểm giả của xe ô tô nhằm tránh bị thu phí tại các trạm thu phí không dừng hay tránh “phạt nguội” gây khó khăn cho chủ xe thật. Về việc này Bộ Công an cho tôi hỏi hành vi nêu trên nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào? Trường hợp lái xe sử dụng biển số giả vi phạm giao thông mà bị “phạt nguội” dẫn đến chủ xe thật bị phạt khi đi đăng kiểm thì chủ xe thật phải xử lý việc này như thế nào?”, công dân này thắc mắc.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ Công an cho biết, Điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu biển số không đúng quy định và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.
Đối với câu hỏi “trường hợp lái xe sử dụng biển số giả vi phạm giao thông mà bị “phạt nguội” dẫn đến chủ xe thật bị phạt khi đi đăng kiểm thì chủ xe phải xử lý việc này như thế nào?”, Bộ Công an cho biết, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý, lực lượng Cảnh sát giao thông xác định thông tin về phương tiện giao thông và chủ phương tiện thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết vụ việc.
Khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc để xử lý vi phạm hành chính khách quan, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.
Về phía chủ phương tiện, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Tuệ Minh