Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ven sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch chằng chịt, từ lâu đời người dân ở các phường Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu của TP Thuận An, Bình Dương đã nổi tiếng về việc trồng cây ăn trái. Vào khoảng thời gian này, trái cây tại các vườn khu vực Lái Thiêu, Cầu Ngang của TP Thuận An bắt đầu vừa chín, điểm tô nhiều sắc màu đặc trưng và đầy quyến rũ của các loại trái cây như: Sầu riêng, măng cụt, dâu, chôm chôm, mít, bòn bon… Du khách tìm đến để tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức những món ăn đặc sản của miệt vườn Bình Dương, như: Gỏi gà măng cụt, gà nướng sầu riêng…
Đặc biệt, măng cụt Lái Thiêu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Trái măng cụt Lái Thiêu còn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Vì vậy, nơi đây được nhiều du khách ví von như “thiên đường” của các loại trái cây miền nhiệt đới hấp dẫn bậc nhất tại khu vực miền Nam.
Để các nhà vườn tại Lái Thiêu có cơ hội cùng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu trái cây Lái Thiêu nói riêng và miền Nam nói chung, TP Thuận An đã tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” vào dịp tháng Tư hoặc tháng Năm âm lịch hàng năm. Với nhiều hoạt động hấp dẫn và nhiều gian hàng thương mại đến từ những nhà vườn, làng nghề truyền thống trong tỉnh và các địa phương bạn trong khu vực miền Nam, lễ hội nhiều năm qua đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi về chiêm ngưỡng, khám phá. Qua đó, lễ hội đã dần trở thành một trong những sự kiện văn hóa truyền thống của TP Thuận An.
Năm nay, lễ hội diễn ra tại khu vực cầu Ngang, phường Hưng Định, TP Thuận An với chủ đề “Cầu Ngang mùa hẹn”. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách gần xa. Dịp này, TP Thuận An cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn, như: Giải việt dã TP Thuận An mở rộng với chủ đề “Cung đường vườn cây trái”, hội thi “Duyên dáng miệt vườn”, hội thi sáng tác ảnh đẹp “Sắc màu mùa trái chín”, trưng bày không gian ảnh đẹp “Đất và người Thuận An”, hội thi vẽ tranh “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi”…
Theo ông Hồ Anh Thi, Phó chủ tịch UBND phường Hưng Định, TP Thuận An, lễ hội là cơ hội để địa phương tiếp tục xây dựng và duy trì quảng bá hình ảnh vườn cây trái Lái Thiêu đến với du khách. Qua đó, tạo điều kiện để địa phương có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại, đầu tư vào du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch trên địa bàn phường, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái vườn. Để lan tỏa lễ hội, phường đã triển khai thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền cổ động giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, nội dung tổ chức lễ hội, đồng thời vận động người dân tham gia quảng bá du lịch vườn, hưởng ứng các hoạt động của lễ hội, thể hiện tinh thần mến khách, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.
Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” đã được lãnh đạo TP Thuận An xác định là một sự kiện quan trọng, với mong muốn góp phần xây dựng một “thương hiệu lễ hội” mang tính chất truyền thống của địa phương. Ban tổ chức lễ hội cũng kỳ vọng đây là dịp để các nhà vườn trong khu vực Nam bộ giao lưu, tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nêu cao vai trò của người dân trong việc chung tay xây dựng và phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, đồng thời giới thiệu những loại trái cây chất lượng đến với du khách.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết: Thông qua lễ hội lần này, thành phố mong muốn các đơn vị chức năng tăng cường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà vườn để cùng chung tay góp sức khôi phục lại thương hiệu du lịch Cầu Ngang – Lái Thiêu vốn nổi tiếng trước đây. Người dân cũng cần thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh, thân thiện trong phục vụ du khách, góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung.
Những năm gần đây, Bình Dương đã có nhiều biện pháp để cải tạo, phát triển năng suất, chất lượng vườn cây ăn trái với diện tích hơn 1.238 ha, trong đó diện tích cây măng cụt là hơn 660 ha. Để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu, nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra như: Khuyến khích các cơ sở đầu tư theo hướng phục vụ từng đối tượng du khách như khách nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, hội thảo, du lịch phục vụ các đoàn, du lịch thể thao, giải trí sông nước…
Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được tổ chức thời gian qua vừa phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, thưởng thức các món ăn ngon, những đặc sản trái cây nổi tiếng của vùng đất Lái Thiêu, vừa nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn các giống cây trồng ăn quả quý của địa phương. Đồng thời, hướng đến phát triển du lịch miệt vườn đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An. Hơn hết, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, duy trì lễ hội là một trong những cách làm hiệu quả để TP Thuận An nỗ lực giữ vườn giữa phố để phát triển du lịch.
THUẬN UYÊN